30 trang cuoi cua cuoc doi

30 trang viết cuối của cuộc đời – tại sao viết cho chính mình lại quan trọng?

Mình từng chia sẻ về chuyện học viên trong lớp viết mình thường có chung 1 nỗi lo lắng đó là, bài viết của mình không hay. Thực ra, lo lắng đó là của hầu hết những người bắt đầu viết. Đa phần mọi người sợ mình viết chưa hay, bài viết không chạm được vào độc giả, không có sự lan tỏa.

Hầu như nhiều người viết bị tắc nghẽn cũng đều nằm ở lí do này: Họ sợ, bài viết của mình không có ích. 

Tuy nhiên, có một sự thật là lan tỏa hay làm cho độc giả rung động hay hiểu ra điều gì đó chỉ là 1 phần của công việc viết. Mục đích ban đầu của công việc viết là thỏa mãn nhu cầu được chia sẻ của tác giả. 

Điều bạn viết ra là điều mà bạn khao khát được chia sẻ, được nói với mọi người. Khi bạn viết ra được khao khát đó bạn sẽ không có cảm giác đau khổ hoặc mắc kẹt ở bên trong. 

Bởi vậy, viết cho chính mình là một trong những thói quen quan trọng mà tất cả những người viết cần có. 

Việc viết cho chính mình là cách người viết giải tỏa những áp lực về mặt tâm lý, đồng thời, đó là cách đánh thức nhu cầu sáng tạo bên trong của người nghệ sĩ.

Viết cho chính mình còn được gọi bằng những cái tên như Zen writing (Thiền viết) hoặc Morning Paes (Trang viết buổi sáng). 

Đó là cách viết mà chúng ta cho phép bản thân được trải hết những cảm xúc, suy nghĩ lên trang giấy. Trong đầu có gì bạn cũng có thể viết ra. Ngay cả việc bạn cảm thấy trống rỗng. Khi viết bạn không cần băn khoăn về những lỗi mà mình mắc phải hay mọi người nghĩ sao về những gì bạn viết cả. Bạn có thể viết cho người bạn thương mà không được gặp mặt, viết cho người khiến bạn giận dữ, viết về uất ức mà bạn phải chịu, hay viết về những điều hạnh phúc, về những niềm vui của riêng mình. 

Mỗi ngày, hãy giữ thói quen viết 3 trang giấy cho chính mình. Và giữ nó ở nơi bí mật của bạn. 

Mình nhớ, có một câu chuyện từng được chia sẻ trên Vietcetera rằng, một nhóm nhà văn, họ làm một dự án chia sẻ câu chuyện của những người trong viện dưỡng lão. Họ thực hiện cuộc viếng thăm đến một viện dưỡng lão nọ, lắng nghe câu chuyện của từng người một và viết lại. Tuy nhiên, khi những nhà văn này rời đi, ban quản lý ở viện dưỡng lão đó phát hiện ra rằng, những cụ già ở viện gia tăng dấu hiệu căng thẳng và trầm cảm.

Những nhà văn này nhận được tin, họ đã suy nghĩ, trao đổi với nhau và tin rằng, có nhiều điều mà các cụ lão ở đây còn chưa thể chia sẻ. Vì thế, họ lại đến và tặng mỗi người 30 trang giấy với đề nghị rằng, hãy viết ra những điều mà họ muốn được nói nhất. Sau trải nghiệm đó, những người ở viện dưỡng lão đã lấy lại cân bằng về tinh thần. 

Mỗi người đều có 30 trang cuối cùng của cuộc đời. Đó là lúc bạn chia sẻ những điều bạn tha thiết muốn nói. Không phải cứ là nhà văn hay một người viết chuyên nghiệp, viết kiếm tiền mới nên viết. Bạn cũng có thể viết “30 trang cuối cùng của cuộc đời”. Bạn muốn viết gì trong 30 trang cuối của cuộc đời mình? Đừng đợi đến lúc đó nhé. Hãy bắt đầu từ hôm nay, mỗi ngày. 

Hãy viết cho chính mình trước khi viết cho độc giả.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *