Biên tập bài viết hiệu qủa với 5 lưu ý

Các lưu ý để biên tập bài viết hiệu quả

Biên tập là một kỹ năng mà các cây viết cần có, nó giúp cho bạn tìm ra được cách viết phù hợp với thông điệp, đối tượng và mục đích mà bài viết hướng tới. Và hẳn nhiên, biên tập cũng giúp bài viết mắc phải những lỗi không đáng có.

Một trong những thế mạnh của mình là biên tập. Điều này mình có được có lẽ là bởi thói quen bóc tách các tác phẩm văn học có từ 15 năm trước. Và mình lặp đi lặp lại công việc đó trong suốt gần 1 thập kỷ học viết, dạy Văn. Nhưng cũng không ít lần mình bỏ qua việc biên tập văn bản và mình trả giá bằng những hậu quả không mong muốn.

Qúa trình đồng hành với các bạn trong những chương trình viết, mình nhận ra nhiều bạn viết được nhưng kỹ năng biên tập không tốt. Bài viết này mình muốn chia sẻ một số kinh nghiệm biên tập mà mình tích lũy được.

Biên tập với mình giống như thao tác chụp X Quang cho tác phẩm của mình. Thao tác đó một lần nữa giúp người viết nhìn lại văn bản một cách khách quan và rõ ràng. Để có thể biên tập khách quan, sau khi viết xong, cần có thời gian trống, ít nhất là 30 phút. Hoặc bạn có thể để bài viết đó đến hôm sau đọc lại và bắt đầu biên tập văn bản. khi biên tập bạn có thể lưu ý những điều sau:

  • Cần xác định lại thông điệp bài viết, độc giả mục tiêu và nền tảng đăng bài viết. Những yếu tố này quyết định bài viết thể loại, tông – giọng của bài viết. Hãy đọc lại và tự hỏi rằng:

Biên tập văn bản

Cần xác định lại thông điệp bài viết, độc giả mục tiêu và nền tảng đăng bài viết. Những yếu tố này quyết định bài viết thể loại, tông – giọng của bài viết. Hãy đọc lại và tự hỏi rằng:

  • Bài viết đã có thể làm nổi bật thông điệp hay chưa? 
  • Giọng điều đã phù hợp với độc giả mục tiêu chưa? 
  • Giọng điệu trong bài có phù hợp với thể loại không?

Kiểm soát số từ của bài viết để có cấu trúc phù hợp. Một bài viết dài hay ngắn đôi khi không quan trọng bằng việc bạn tổ chức các ý trong bài viết cân đối, hợp lý. Một bài viết dài nhưng lan man sẽ ít giá trị hơn là một bài viết ngắn nhưng các đoạn vănrõ ràng. Hãy đọc lại văn bản và tự hỏi:

  • Các đoạn văn viết có đang đảm nhiệm một nhiệm vụ nào cho bài viết không? Nếu bạn không tìm được câu trả lời, có nghĩa là đoạn văn đó không nên xuất hiện ở đó. 
  • Ý của đoạn văn có bị trùng lặp với các đoạn khác trong bài viết hay không?
  • Thiếu đoạn văn đó thì bài văn có bị mất nghĩa, sai nghĩa hoặc không rõ ràng hay không? Nếu câu trả lời là không thì bạn cũng nên xem xét việc bỏ đoạn văn đó.
  • Cấu trúc các phần Mở đề – Phát triển vấn đề – Kết luận cần có sự cân bằng tương đối. Nếu đoạn đặt vấn đề chỉ 1 câu nhưng phần kết thúc lại là một đoạn 10 câu thì văn bản đó chưa có sự cân xứng về mặt cấu trúc. Sự cân xứng này không chỉ giúp cho bài viết có tính trực quan mà còn góp phần tạo nên sự rõ ràng trong cách diễn đạt. 
5 điều giúp biên tập bài viết hiệu quả

Biên tập đoạn văn

Đoạn văn có thể được xem là một văn bản độc lập về mặt nội dung. Điều đó có nghĩa là mỗi đoạn văn có một nhiệm vụ, 1 thông điệp riêng. Điều đó cũng có nghĩa là đoạn văn cũng có cấu trúc như một bài viết thu nhỏ, gồm 3 phần: Mở đoạn – phân tích/ phát triển – kết đoạn. Dù đoạn văn được viết dài hay ngắn thì cũng cần có sự chặt chẽ trong cấu trúc như vậy. Sự chặt chẽ đó tạo nên sức mạnh về thông điệp cho đoạn văn. Những đoạn văn có sức mạnh thì sẽ tạo nên bài viết có sức mạnh chuyển tải. Vì thế, khi biên tập đoạn văn bạn cần tự hỏi:

  • Thông điệp/ mục tiêu của đoạn văn này là gì?
  • Đâu là câu chủ đề? Những câu nào phát triển ý? Câu nào kết đoạn? Các câu có đang làm đúng/thể hiện rõ điều đó chưa? Có câu nào dư, lặp không?
  • Mỗi đoạn văn cần được tách dòng rõ ràng.

Những bài viết đăng trên các nền tảng cá nhân như mạng xã hội, blog thường bỏ qua cấu trúc của đoạn văn mà tách dòng dựa trên ý. Đôi khi mỗi block chỉ là 1,2 câu. Nhưng nếu bạn muốn đăng bài trên các nền tảng chuyên nghiệp khác như tạp chí, báo điện tử hay báo truyền thống… bạn cần chú ý yếu tố đoạn trong bài viết của mình.

Biên tập câu

Các bài chia sẻ về ngữ pháp tiếng Việt có nhiều cách chia lỗi câu khác nhau, nhưng sẽ có khoảng 3 lỗi cơ bản mà người viết dễ mắc phải:

  • Lỗi cấu trúc, câu bị thừa hoặc thiếu các thành phần cơ bản như chủ ngữ, vị ngữ
  • Dùng sau quan hệ từ trong câu, trong các bộ phận của câu
  • Lỗi liên kết câu trong văn bản

Trong quá trình đọc bài viết các bạn gửi đến, ngoài những điều đó ra các bài viết dễ mắc phải các lỗi như viết câu dài. Câu dài thường sẽ khó tiếp nhận hơn câu ngắn. Trừ những câu dài mang ẩn dụ nghệ thuật, còn lại các câu dài khiến cho bài viết thiếu chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, câu bị động cũng là một dạng câu nên hạn chế trong các bài viết. Câu bị động có thể khiến cho bài viết mang cảm giác nặng nề hoặc cảm xúc bị giãn ra.

 Vì thế, khi biên tập bài hãy chú ý trả lời các câu hỏi sau:

  • Chủ ngữ, vị ngữ của câu ở đâu?
  • Liên kết sử dụng trong câu có phù hợp về mặt nghĩa chưa?
  • Chuyển câu này thành chủ động như thế nào?

Biên tập từ

Biên tập ở cấp độ từ đòi hỏi sự tỉ mỉ và nó vô cùng quan trọng. Để mình kể bạn nghe câu chuyện này. Cách đây mấy tháng, khi viết bài gửi báo mình, mặc dù đã được biên tập khá kĩ, bài cũng đã lên báo in, nhưng sau đó tòa soạn đã liên hệ mình để hỏi một vài thông tin liên quan đến 1 cụm từ mà mình đã sử dụng: “ đ/ộ/t t/ử trên bàn học”. Ban khoa giáo đã yêu cầu làm rõ thông tin vì nó là một chuyện nghiêm trọng. 

Câu chuyện mà mình kể là chuyện xảy ra ở nhà chứ không phải ở lớp học. Mình đã gửi xác minh cho tòa soạn, mọi chuyện qua nhanh sau đó. Lỗi sai của mình ở đây là dùng từ không rõ ràng. Đó là một bài học mà mình nhớ mãi và những bài sau đã tăng tính cẩn trọng lên gấp 2 để biên tập. 

Những điều cần lưu ý khi biên tập câu đó là:

  • Cần dùng từ trong sáng, dễ hiểu
  • Tìm cách diễn đạt dễ hiểu nhất có thể
  • Hạn chế dùng từ Hán Việt
  • Tránh lặp từ

Tính liên kết trong bài viết

Tính liên kết trong bài viết thể hiện qua nhiều yếu tố như: Mạch văn, cách sắp xếp câu chuyện, luận điểm; Liên kết giữa các đoạn, các ý. Tính liên kết giúp cho bài viết trở nên mạch lạc, trôi chảy, người đọc dễ hiểu, dễ theo dõi bài viết. Phần này có lẽ mình nên viết ra ở một bài riêng, tuy nhiên, trong bài viết này mình muốn nếu lên một vài điểm cơ bản để khi biên tập bài viết bạn có thể lưu ý.

  1. Hãy xem câu chuyện/mạch văn bạn đưa ra dựa trên logic nào: logic về mặt thời gian? không gian? Sự kiện? hồi tưởng? hay luận điểm?
  2. Khi chuyển giữa các đoạn, các ý bạn có sử dụng câu, quan hệ từ, cụm từ nào để liên kết chưa?
  3. Yếu tố? Hình ảnh? Luận điểm? Chủ đề nào nào đóng vai trò là “sợ chỉ đỏ” xâu chuỗi xuyên suốt văn bản?

Hình thức trình bày

Hình thức trình bày là yếu tố đóng vai trò tạo ra ấn tượng ban đầu cho bài viết. Hình thức trình bày rõ ràng giúp bài viết dễ đọc hơn. Một bài viết dễ đọc sẽ giúp tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả hơn và cũng tạo thiện cảm cho người đọc. Hãy đảm bảo bài viết được chia ra nhiều đoạn rõ ràng. Với những bài viết dài, nhiều ý bạn nên đặt tiêu đề cho từng luận điểm. Đừng quên những điều rất nhỏ khác như là sử dụng đúng dấu câu khi trích dẫn ý kiến hoặc đưa hội thoại.

Tạm kết

Biên tập là khâu quan trọng trước khi xuất bản. Văn bản có thể tái sinh hoặc có thể mang một số phận khác nếu bạn có kỹ năng biên tập. Các nhà biên tập có kinh nghiệm ví công việc này như là công việc “giải phẩu” của những bác sĩ. Riêng tôi thấy công việc này như là công việc của một nhà điêu khắc có tay nghề. Người làm biên tập là  người có cái nhìn tinh tế đủ để phát hiện ra tác phẩm trước mắt có điều gì đẹp và có điều gì cần khắc họa tinh xảo hơn để tạo nên một tượng đài hoàn hảo. Nếu bạn chưa từng biên tập, hãy thử, vì có thể một lúc nào đó bạn sẽ thấy công việc này thật tuyệt vời.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *