Là một người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục với hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em và cha mẹ, tôi nhận thấy nhiều bậc phụ huynh, dù rất yêu thương con, vẫn thường mắc phải những sai lầm khi giúp con đối mặt với khó khăn. Những sai lầm này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và khả năng thích ứng của trẻ trong tương lai.
1. Sai lầm khi cha mẹ vội vàng giải quyết vấn đề thay cho con
Sai lầm của nhiều cha mẹ nuôi dạy con là khi thấy con gặp khó khăn, thường có xu hướng nhanh chóng can thiệp và giải quyết vấn đề thay con. Ví dụ, khi con không thể lắp ghép một món đồ chơi, cha mẹ lập tức làm hộ thay vì hướng dẫn con cách thực hiện. Hoặc con muốn chơi đồ chơi nhưng không muốn tự mình lấy, cha mẹ sẵn sàng lấy hộ con thay vì hướng dẫn con lấy đồ chơi.
Hậu quả: Trẻ không học được cách tự giải quyết vấn đề, ỉ lại, thiếu sự kiên trì và dễ bỏ cuộc khi đối mặt với thử thách mới.
Giải pháp đúng: Hãy đứng bên cạnh, động viên và gợi ý để con tự tìm ra cách giải quyết. Cha mẹ có thể đặt câu hỏi gợi mở như “Con nghĩ mình có thể thử cách nào khác không?”
2. Sai lầm khi cha mẹ phủ nhận cảm xúc của trẻ
Sai lầm của cha mẹ khi nuôi dạy con là khi trẻ buồn bã hay thất vọng vì một khó khăn nào đó, nhiều cha mẹ thường vô tình phủ nhận cảm xúc của con bằng những câu nói như “Có gì đâu mà khóc”, “Con trai không được khóc nhè”. Hoặc tệ hơn nữa là ra lệnh con nín ngay lập tức.
Hậu quả: Trẻ học cách kìm nén cảm xúc, không dám chia sẻ với cha mẹ và có thể phát triển các vấn đề về cảm xúc trong tương lai.
Giải pháp đúng: Công nhận và thấu hiểu cảm xúc của trẻ. Ví dụ: “Cha/mẹ hiểu con đang buồn vì không làm được bài tập. Điều đó hoàn toàn bình thường, đó là lý do mà chúng ta cần học đấy con. Chúng ta cùng thử lại nhé?”. Hoặc tốt hơn, cha mẹ có thể thể hiện sự đồng cảm với trẻ: “Hồi còn đi học thỉnh thoảng cha/mẹ cũng thấy khó khăn như thế”. Sau đó chia sẻ cách mà mình đã vượt qua: “Nhưng cha/mẹ đã …”Trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ là nơi tin cậy, an toàn và có thể học hỏi được.
3. Sai lầm khi cha mẹ áp đặt giải pháp một chiều
Nhiều cha mẹ sai lầm khi nuôi dạy con là có xu hướng áp đặt cách giải quyết vấn đề theo kinh nghiệm của người lớn mà không lắng nghe ý kiến của trẻ. Điều này đặc biệt phổ biến khi trẻ gặp khó khăn trong học tập hoặc các mối quan hệ bạn bè. Ví dụ như khi trẻ vẽ, tô màu một hình nào đó, cha mẹ có thể sẽ góp ý theo xu hướng: Mặt trời phải là màu cam, chiếc lá màu xanh, bông hoa màu hồng…Hoặc khi lắp mô hình lego, cứ nhất định phải lắp theo mẫu. Hoặc là mọi người trong nhà mặc giày đi ra đường thì con cũng cần mặc giày.
Hậu quả: Trẻ mất đi cơ hội phát triển tư duy độc lập và khả năng sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề.
Giải pháp đúng: Tạo không gian để trẻ đề xuất giải pháp của riêng mình. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cùng con thảo luận về ưu nhược điểm của từng phương án.
4. Sai lầm khi cha mẹ so sánh con với người khác
Sai lầm của cha mẹ khi nuôi dạy con là khi con gặp khó khăn, nhiều cha mẹ có thói quen so sánh con với anh chị em hoặc bạn bè: “Con xem bạn A kìa, bạn ấy làm được mà”.
Hậu quả: Trẻ phát triển mặc cảm tự ti, giảm sút động lực và có thể nảy sinh tâm lý ganh đua không lành mạnh.
Giải pháp đúng: Tập trung vào tiến bộ của chính đứa trẻ, khen ngợi nỗ lực và quá trình cố gắng của con thay vì kết quả cuối cùng.
5. Sai lầm của cha mẹ là quá bảo vệ và không cho phép con thất bại
Nhiều cha mẹ gặp sai lầm khi nuôi dạy con là đã cố gắng tạo một môi trường “không có thất bại” cho con, loại bỏ mọi khó khăn và thử thách từ cuộc sống của trẻ. Điều này rất phổ biến. Có thể cha mẹ sẽ cho con học thêm ngay từ đầu cấp 1, thậm chí là học rất nhiều môn từ chính khóa đến năng khiếu để con bước vào cấp 1 sẽ có “bệ phóng” tốt. Hoặc,ngay khi con bước vào hành trình ăn dặm, ép con ăn đủ chất, đủ lượng bằng mọi cách
Hậu quả: Trẻ phát triển tâm lý yếu ớt, thiếu khả năng chống chịu và dễ suy sụp khi đối mặt với thất bại trong tương lai.
Giải pháp đúng: Cho phép con trải nghiệm thất bại ở mức độ phù hợp với lứa tuổi. Giúp con hiểu rằng thất bại là một phần tự nhiên của quá trình học tập và trưởng thành.
Kết luận
Để giúp trẻ phát triển thành một cá nhân mạnh mẽ và độc lập, cha mẹ cần tránh những sai lầm khi nuôi dạy con nêu trên và thay đổi cách tiếp cận. Hãy nhớ rằng mục tiêu không phải là loại bỏ mọi khó khăn khỏi cuộc sống của con, mà là trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để đối mặt và vượt qua chúng.
Mỗi đứa trẻ đều có nhịp độ phát triển và cách học riêng. “Cha mẹ thường có xu hướng xem nhiệm vụ của họ là giúp con cái họ trở nên thành công. Nhưng càng nhiều ví dụ trong đời sống khiến cha mẹ, giáo viên và các chuyên gia làm việc với trẻ em ngày càng cảm thấy cần nhiều bài học để cho trẻ học cách thất bại.
Không học cách chịu đựng cảm giác thất bại sẽ khiến trẻ cảm thấy bối rối khi đối diện những vấn đề trong cuộc sống của chúng, kể cả đó là vấn đề ở trường mẫu giáo hay trường đại học. Và quan trọng hơn, nó có thể khiến trẻ ít có sự cố gắng hoặc không muốn thử một vấn đề gì đó mới.” – Trích sách “Từ kiên cường đến hạnh phúc”
Tham gia cộng đồng “Người gieo hạt” ngay hôm nay để cùng chia sẻ về khó khăn trong hành trình nuôi dạy con của bạn!