“Em/tớ sợ bài viết của mình mang tính cá nhân”
Đó là chia sẻ của những bạn mà mình có cơ hội hướng dẫn viết báo. Hầu hết các bạn không dám chia sẻ trải nghiệm cá nhân, góc nhìn cá nhân trong bài viết.
Nhưng có một sự thật là trải nghiệm, góc nhìn cá nhân mới chính là linh hồn tạo nên sự độc đáo cho bài viết.
Bày tỏ ý kiến cá nhân là gì?
Bày tỏ ý kiến cá nhân là một phần trong các các bài báo bao gồm ý kiến của tác giả về 1 chủ đề với lý do, sự kiện, câu chuyện và các nguồn lực khác để thuyết phục độc giả. Ý kiến của tác giả thường được thể hiện rõ qua các tác phẩm sáng tạo hoặc trong các bài báo bình luận.
Trong các tác phẩm sáng tạo như kể chuyện, viết tản văn sự trải nghiệm cá nhân của người viết tạo nên sự thú vị, độc đáo cho tác phẩm. Đó là lí do khiến cho một chủ đề đề cũ nhưng khi được chia sẻ lại qua một góc nhìn của mỗi một tác giả sẽ tạo ra cảm xúc, suy nghĩ khác nhau cho người đọc.
Trong các bài bình luận, người viết bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ cá nhân của mình về một chủ đề.
Tại sao nên bày tỏ ý kiến cá nhân trong bài bình luận?
Việc trình bày ý kiến cá nhân trong bài viết thể hiện sự hiểu biết của tác giả về vấn đề được đưa ra một cách sâu sắc và chắn chắn.
Những văn bản bày tỏ ý kiến cá nhân được xem là những văn bản có tính thuyết phục, bởi người viết sẽ dùng câu chuyện, lập luận, dẫn chứng để phân tích, chứng minh và giải thích cho vấn đề đưa ra.
Câu chuyện cá nhân hay góc nhìn cá nhân dễ chạm được tới cảm xúc của độc giả.
Ý kiến và cách lập luận cùng giọng điệu riêng sẽ tạo nên sự độc đáo cho bài viết của bạn. Đây cũng là yếu tố chính giúp hình thành nên phong cách viết khác biệt của các cây viết.
Khi viết bài thể hiện ý kiến cá nhân cần lưu ý điều gì?
Một bài viết bày tỏ ý kiến nó đòi hỏi góc nhìn, ý kiến cá nhân của tác giả. Nó được tạo thành bởi nhiều lập luận, lí do, dẫn chứng, câu chuyện khác nhau để hỗ trợ làm rõ cho chủ đề đưa ra. Khi viết một bài bình luận điều quan trọng là người viết phải biết sắp xếp các đoạn văn sao cho trình bày được suy nghĩ của mình một cách gọn gàng, dễ dàng cho người đọc theo dõi.
Các bài bình luận về một vấn đề được tạo thành từ nhiều lập luận, quan điểm khác nhau đòi hỏi bằng chứng và ví dụ để hỗ trợ chúng. Người viết cần nghiên cứu kỹ lưỡng về chủ đề trước khi viết bài. Bởi việc hiểu rõ chủ đề sẽ giúp tác giả diễn đạt ý kiến của mình một cách sáng rõ nhất. Với những cây viết đã có kinh nghiệm viết ở một ngách nhất định thường có lợi thế khi viết những bài bình luận như thế này.Bởi quá trình viết, nghiên cứu, thu thập insight hay câu chuyện của độc giả sẽ giúp bạn có được cái nhìn đa chiều về một vấn đề. Từ đó dễ dàng xây dựng được quan điểm cá nhân trước vấn đề đó.
Một số lưu ý khi viết bài bình luận.
Nghiên cứu chủ đề
Bước quan trọng nhất cần cân nhắc khi viết bài bình luận là nghiên cứu vấn đề. Tác giả nắm chắc vấn đề sẽ bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề đó. Bạn có thể nghiên cứu cả quan điểm đối lập, hiểu cách họ lập luận, ghi nhận ý kiến của họ để phát triển thành công luận điểm của mình.
Nếu bạn đam mê chủ đề đó, khả năng bạn sẽ viết được một bài bình luận thuyết phục.
Phát triển quan điểm trước khi viết
Để có một bài bình luận thuyết phục bạn cần phát triển quan điểm của mình trước khi viết, cần liệt kê những luận điểm, ví dụ, dẫn chứng để phục vụ cho bài viết. Lập luận mà bạn đưa ra nên được hỗ trợ bằng lý luận và sự thật.
Bước này bạn có thể hiểu như là bước lập dàn ý trước khi viết.
Viết tiêu đề thu hút
Tiêu đề là yếu tố quan trọng trong bài báo bình luận. Nó quyết định hoàn toàn việc độc giả có đọc bài viết đó hay không. Khi viết tiêu đề cần cho đọc giả thấy được lý do, lợi ích hoặc vấn đề mà họ cần quan tâm ở bài viết của bạn.
Chia sẻ ý kiến ngay từ đầu
Đoạn đầu tiên của bài bình luận cần cho độc giả biết câu chuyện hay ý kiến của bạn về vấn đề được đặt ra. Phần này quan trọng không kém gì tiêu đề. Độc giả không đủ thời gian và kiên nhẫn để đi tìm ý trong một bài viết lan man.
Sử dụng giọng văn tích cực.
Khi chia sẻ quan điểm về một vấn đề, bạn cần viết bằng giọng văn tích cực. Bí quyết để tạo nên giọng văn tích cực đó là sử dụng câu chủ động khi viết.
Một trong những lợi ích chính của việc viết câu chủ động đó là bạn có thể viết ngắn hơn. Và những câu ngắn giúp người đọc dễ hiểu. Câu chủ động cũng khiến cho giọng văn của bạn trở nên thân thiện hơn.
Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy bạn thường dùng câu chủ động trong các cuộc trò chuyện thông thường. Vì thế viết bằng câu chủ động bạn sẽ viết như cách mà hầu hết mọi người đang nói. Câu văn chủ động còn có khả năng tạo ra tác động cảm xúc.
Ví dụ như:
“Cha đứa bé vứt ném phăng chiếc quần ra sân” – sẽ khiến người đọc cảm nhận được sự giận dữ trong hành động đó. Còn câu bị động “Chiếc quần bị cha đứa bé ném phăng ra sân” có quãng nghỉ về cảm xúc (Điều này có thể có lợi cho một số thể loại khác, mình sẽ chia sẻ trong một bài viết khác)
Tóm lại
Trình bày ý kiến cá nhân trong bài viết là một kỹ thuật viết cần thiết khi viết chuyên nghiệp. Nó là cách tuyệt vời để người viết thể hiện quan điểm của mình. Là cơ hội để độc giả biết bạn cảm thấy như thế nào và vì sao lại như thế. Viết trình bày quan điểm cá nhân là kỹ thuật có thể phát triển và thực hành. Khi bạn có kinh nghiệm bạn sẽ thấy cách viết này thực sự rất thú vị.