cảm nhận của trẻ về thế giới

Cảm nhận của trẻ về thế giới

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Cảm nhận đầu tiên của con về thế giới là gì không? Hôm qua, đón con ở trường, mình gặp Nhím – cô bé mắt ướt bằng tuổi con trai mình. Khi các bạn chơi đùa vui vẻ, bé lại chỉ lặng lẽ nhìn. Mình nhìn con bé và cười một cách thân thiện, nhưng bé lại co người lại và lùi đi. Nhím chọn một góc xa hơn, nhìn Bách diễn trò hề với mẹ. 

Cô bé đó làm mình nhớ đến Bin, bạn của Bách. Ngày đầu gặp Bin là ở bệnh viện, nhìn khuôn mặt sợ hãi của con trong lịch trình ăn – uống sữa -uống thuốc – chuyền nước mình thấy xót. Hồi đó Bin 10 tháng.

Hằng ngày đón con, mình gặp khuôn mặt của nhiều đứa trẻ. Có đứa trẻ mang khuôn mặt vui tươi, có đứa trẻ mang khuôn mặt của sự sợ hãi, phòng thủ, có đứa trẻ mang khuôn mặt ngơ ngác, có đứa trẻ lại mang khuôn mặt đầy sức sống…

Mỗi đứa trẻ, mỗi khuôn mặt có lẽ là một câu chuyện khác nhau về hành trình chúng bước ra chào thế giới. Mỗi khuôn mặt phản ánh một cách chúng cảm nhận về thế giới mà chúng sống ngay từ những ngày đầu tiên. Hồi mình sinh con trai đầu, mình đã chọn cách nghỉ việc để ở nhà chăm con trong gần 1 năm rưỡi. Đến bây giờ, mình vẫn cảm ơn vì chồng đã ủng hộ quyết định của mình lúc đó. Quãng thời gian đó, mình và con trai đã có những trải nghiệm thật tuyệt vời. 

Tình yêu thương, có lẽ là bài học vỡ lòng đầu tiên và sâu sắc nhất mà con học được ngay khi chào thế giới. Việc được nhìn thấy sự hiện diện và yêu thương của mẹ trong những thời khắc thằng bé vui vẻ, sợ hãi, tò mò… khiến con có cảm giác an toàn. Sự an toàn đó mang lại cảm giác bình an trong lòng còn và con dễ mỉm cười hơn với những người xung quanh mình. 

Rồi bước vào hành trình ăn dặm, nó có lẽ là hành trình mà tất cả các bà mẹ đều lo lắng, căng thẳng. Mình cũng không nằm ngoài số đó. Mình nhớ, hồi mình còn sinh viên, ở cạnh mình có gia đình con bé Chuột. Con bé nhỏ thó. Mỗi giờ ăn đối với nó chẳng khác gì giờ tra tấn cả về tinh thần lẫn thể xác. Khi đút cháo con bé không chịu ăn, mẹ nó xối xả, tệ hơn là vả bôm bốp vào miệng con bé. Con bé khóc tức tưởi, vừa ngậm miếng cháo nhão nhoét vừa khóc. Bà hàng xóm lớn tuổi bảo: Chị đừng làm thế, con lớn lên nó sẽ hận chị đấy – Nhưng con tức quá bà ạ. Chị trả lời.

Không biết con bé có hận mẹ nó khi lớn không, nhưng chắc chắn cái cảm giác sợ hãi kinh hoàng của nó ngày hôm nay sẽ ám ảnh suốt hành trình ăn để sống của nó. 

Hồi ở nhà với con, vợ chồng mình thuê nhà trong khu tập thể của cán bộ giáo viên cũ. Ở đó, xóm đa số là các cô chú đã nghỉ hưu nên chăm cháu là chủ yếu. Cuối xóm có nhà bé Bông, lớn hơn con mình nửa năm ở với ba mẹ và ông bà nội. Ba mẹ đi làm suốt nên ông bà chăm Bông. Nhà có mỗi đứa cháu nên cô chú nâng niu lắm. Chỉ mỗi điều, con bé không chịu ăn. 18 tháng, bà xay nhuyễn bát cháo ra đút kẻo sợ cháu mắc cổ. Và bữa ăn nào cũng đẩy xe vòng vòng đi khắp xóm để ăn. Có hôm mấy bà hàng xóm thấy sốt ruột, phụ bà cho Bông ăn bằng cách trợn mắt lên dọa nạt đủ thứ để con bé chịu nuốt thìa cháo đã ngậm trước đó hơn 5 phút. Ngồi chơi với thằng bé con mình bà liên tục bảo: Chị Bông hư lắm, chị Bông chẳng ngoan tí nào, ăn lúc nào cũng ngậm thôi. Ít lâu sau, ông bà gửi Bông đi trẻ vì nghe mọi người bảo, đi học đứa nào cũng chịu ăn. Không biết ở trường con bé có chịu ăn không nhưng mình thấy sự nhút nhát, sợ hãi thể hiện rõ trên khuôn mặt của con bé. Có những đứa trẻ, ký ức tồi tệ về những bữa ăn theo suốt nó cho đến hết thời kì thơ ấu. 

Hồi đó, mình chọn cách cho Bách tự ăn. Bách ăn bữa nhiều bữa ít, bữa không chịu ăn, bú sữa mẹ là chủ yếu. Nhưng không có bữa ăn nào có tiếng khóc mà con tận hưởng, ngắm nghía thức ăn theo một cách nào đó. Mình giới thiệu tất cả các loại thức ăn và cấu trúc để con thử. Có thứ, thằng bé bỏ vào mồm ăn ngon lành, có thứ chỉ nếm chút đỉnh rồi …vứt, có thứ chỉ nhìn, bóp bóp rồi bỏ đi. Nhiều người trong gia đình phản đối việc đó, mọi người lo lắng thằng bé thiếu chất, thiếu cân, đói… Mình hiểu và đôi khi mình cũng mệt mỏi, nhưng mình vẫn chọn cách đó, bởi mình muốn dạy con học cách ăn – bài học vỡ lòng để sống như bao người. Thằng bé học cách nếm và cảm nhận về thức ăn – thứ sẽ nuôi sống và đi theo con cả đời. Và hơn hết, mình muốn con hiểu rằng, ăn là một trong những điều sung sướng, hạnh phúc và thế giới loài người đã tận hưởng điều đó. Đó không phải là nghĩa vụ và càng không phải là những hình phạt dành cho con. 

Trẻ con khi chào đời mọi thứ đều mới mẻ, chúng sẽ học cách để hiểu và trưởng thành hơn mỗi ngày. Những gì xảy ra xung quanh con, đối với con chính là thế giới. Con sẽ hiểu về thế giới như cách mà bố mẹ hay những người xung quanh cư xử với con. Khi chúng ta nói dối với trẻ, trẻ sẽ mất niềm tin và cảm thấy bất an vì không biết tin vào ai và tin vào điều gì. Mẹ về nhà lấy đồ chơi cho con rồi một lát mẹ sang nhé. Bạn đã nói vậy, nhưng thực ra là để “trốn con” đi làm. “Một lát” mà mãi đến 8 tiếng sau bạn mới trở về đón con. Lần sau, con sẽ không chịu rời mẹ và khóc lóc thảm thiết chỉ vì không thấy mẹ đâu. Bởi con sợ và không hiểu mẹ sẽ đi mất hay sẽ quay lại ngay. 

Thế giới trong cảm nhận của Bin, Nhím, Bông hay bé Chuột là gì? Thế giới này có an toàn trong chính cảm nhận của chúng?Khi sống trong một thế giới mà chúng thấy không – an – toàn chúng sẽ như thế nào? Tất cả năng lượng của chúng dùng chỉ để phòng thủ. Chúng không có đủ bình tâm để cảm nhận về những điều đẹp đẽ khác của thế giới. Không đủ sự hào hứng, vui vẻ để khám phá những bài học khác – những bài học về tình yêu cuộc sống, sự sẻ chia, cảm thông. Những bài học để chúng lớn lên một cách hạnh phúc.

“Chạm nhẹ vào cành lá

Chạm khẽ vào bông hoa

Chạm nhẹ vào búp non trên cành

Chạm nhẹ nhàng, khe khẽ thôi nhé bé ơi!

Chạm nhẹ vào má người thương em đây nữa nè”

Bách vẫn nhớ, vẫn cười đầy thú vị khi nghe những câu hát này và chạm vào những chiếc lá bên đường. Mấy câu hát này mình đã nghĩ ra và hát với con khi thằng bé 11 tháng – nhút nhát và không dám chạm vào bất cứ thứ gì ở bên ngoài. Niềm hạnh phúc của trẻ con mỏng manh vậy đấy, nhưng gom mỗi từng chút, từng chút một chúng sẽ có một trái tim đầy hạnh phúc, đó là nguồn sống mạnh mẽ để con mạnh dạn bước ra thế giới của mình.

Khi mình gõ những dòng cuối cùng cho bài viết này  “Tạp chí đời sống” đăng tin về việc “2 cô giáo mầm non trói tay đánh đập dã man bé gái 15 tháng tuổi chỉ vì trẻ không ăn” tại một cơ sở mầm non Đồng Hới – Quảng Bình. Mẹ đứa bé phát hiện được và đến giải cứu con thì thấy con mình đang bị buộc tay, buộc chân và nhét giẻ vào miệng chỉ vì không ăn và không chịu ngủ trưa. Bản tin ấy khiến bao người phẫn nộ. Rồi những người xưng danh là cô giáo mầm non ấy sẽ bị trừng phạt. Nhưng vết thương trong lòng đứa trẻ bao giờ tan? Nỗi khiếp sợ về thế giới liệu sẽ đeo bám con đến bao giờ?

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *