Trí tưởng tượng

“Con có thể lên Mặt Trăng, dạo chơi cùng những vì sao”

Đó là lời xác nhận của của mẹ ông Neil Amstrong, từ năm 1940. Tôi biết câu nói này khá sớm. Nhưng đến khi làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tôi lại gặp lại vấn đề này dưới dạng… than phiền của các phụ huynh: 

  • Con bé nhà tôi mơ mộng quá, nó hay có những ý tưởng chẳng giống ai. 
  •  Nhiều khi tôi gọi năm lần bảy lượt mà thằng bé không hay, chỉ mải nhìn cái gạt cổng tự động ở nhà xe, hoặc cắm cúi ghép các miếng gỗ thành một cái mà nó gọi là tòa tháp. 
  • Con bé vào lớp chồi rồi mà chẳng tập trung, không gọi tên được hình tròn, hình vuông, các chữ số… mà chỉ thích vẽ nguệch ngoạc trên giấy.

 Bạn vẫn thấy câu nói của mẹ Neil với những lời than phiền trên kia không liên quan đến nhau đúng không? Nhưng thực chất, đó đều là cách mà họ phản ứng với trí tưởng tượng của một đứa trẻ – với tư cách là một phụ huynh.

Trí tưởng tượng là “người bạn” thân nhất của con bạn 

Phần lớn thời gian trong ngày của một đứa trẻ được dành cho việc… tưởng tượng. Dù đang chơi một mình, chơi với bạn bè, hay đang ngắm nhìn một vật bất kỳ – đứa trẻ cũng đang có trí tưởng tượng đồng hành. Đó có thể là lúc cô con gái 4 tuổi bắt nâng niu, dỗ dành hoặc lên giọng nhắc nhở một “cô” búp bê. Là khi một cậu con trai say sưa hóa thân thành siêu anh hùng với… tấm khăn trải bàn. Hay thậm chí là lúc con lơ là bài học chỉ thích vẽ nguệch ngoạc trên giấy hoặc cặm cụi lắp ghép.

 Đáng tiếc là người lớn hay bỏ qua, thậm chí ngăn cản những khoảnh khắc tưởng tượng để buộc con tập trung vào nhịp sinh hoạt đã được lập trình sẵn. Những câu chuyện tưởng tượng của con thường được xem là “vớ vẩn”, “tốn thời gian”… Người lớn vẫn quen đo đếm giá trị của một đứa trẻ thông qua sự hiểu biết kiến thức, thành tích học tập, hoặc khả năng đáp ứng quy định, luật lệ trong gia đình và trường lớp. Tất cả những kỳ vọng này đều không có chỗ cho trí tưởng tượng. Và trước những tiêu chí này, trí tưởng tượng dễ được xem là vô ích, viển vông. 

 Thế nhưng, theo nhà tâm lý học trẻ em Sally Goddard Blythe, giám đốc Viện Tâm lý Sinh lý Thần kinh sinh lý Anh Quốc, những trò chơi tưởng tượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Trí tưởng tượng cho phép trẻ tạo ra những hình ảnh trực quan trong trí óc và khám phá tất cả hình ảnh mà không bị giới hạn. Đây là cách giúp trẻ đạt được những kĩ năng giải quyết vấn đề, đến với những khả năng mới, cách nhìn mới, cách làm mới, phát triển các kĩ năng quan trọng trong tư duy phản biện. Đó là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo, mọi sự vượt bậc, là động lực phá vỡ giới hạn của con người. 

 Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng, những đứa trẻ hay chơi trò chơi tưởng tượng thì biết thể hiện cảm xúc hơn, chu đáo hơn, ít có cảm xúc tiêu cực…

Những lần đóng vai như thế, con sẽ xử lý được cảm xúc của mình, con sẽ có cơ hội hiểu được lý do tại sao người khác lại tức giận/hạnh phúc/đau buồn và trải nghiệm cảm giác được quan tâm, được chăm sóc. Ngoài ra, những tình huống tưởng tượng còn giúp trẻ tập dượt kỹ xử lý tình huống. Tất cả những điều này đều cần thiết cho sự phát triển cảm xúc và trí tuệ của trẻ.

 Những phụ huynh mơ mộng 

Thế hệ chúng ta đã được giáo dục nhiều để trở thành một phụ huynh thông thái. Thế nhưng, thông thái thôi chưa đủ, ta cần là những phụ huynh mơ mộng. 

 Hồi còn tiểu học, Thomas Edison từng bị trường học từ chối. Hiệu trưởng đã gửi thư về cho mẹ của cậu: “Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí (tâm thần). Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”.

 Khi đó, Edison có kết quả học tập rất kém, lại được nhìn nhận như đứa trẻ kém tập trung vào bài vở mà chỉ mày mò tìm kiếm, thử nghiệm những trò chơi riêng.

 Nhưng, khi Edison hỏi về bức thư, mẹ ông đã đọc to: Con ông bà là một thiên tài. Nhưng ngôi trường này quá nhỏ. Xin ông bà hãy tự dạy dỗ con mình. 

Từ đó, cậu được mẹ dạy dỗ tại nhà và tự khám phá, thử nghiệm những ý tưởng của mình. Trải qua hàng trăm thí nghiệm thất bại, cuối cùng, ông đã phát minh ra bóng đèn sợi đốt, máy ghi âm, cầu chì… 

 Vào năm 12 tuổi, Neil Amstrong nói với mẹ rằng một ngày nào đó cậu sẽ lên mặt trăng và dạo chơi với những vì sao. Người mẹ này đáp lời: Con có thể làm được bất cứ điều gì một khi con dốc tâm vào việc đó. Và năm 1969, lịch sử ngành khoa học nghiên cứu không gian đã mở ra một chương mới khi Neil Amstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Trong sự kiện đặc biệt đó, chính ông đã có phát ngôn nổi tiếng: đây là một bước đi nhỏ của một con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại.

 Vào những thời điểm đó, người ta chưa biết đến một thứ phát sáng bằng điện và chuyện đặt chân lên mặt trăng nằm ngoài mọi hình dung và năng lực của con người. Thế nhưng, tất cả đều không nằm ngoài sức tưởng tượng. Bằng chính sự tưởng tượng của mình, Edison đã “vẽ” nên một thứ mà sau này được gọi là bóng đèn sợi đốt, còn Neil thì hình dung ra viễn cảnh dạo chơi trên mặt trăng. Những hình dung ấy có trước, và là động lực quyết định cho những bước tiến vĩ đại mà ta đã biết. Và quan trọng hơn, nó có cả trong sự mơ mộng, trắc ẩn và niềm tin mãnh liệt của người lớn – vào những đứa trẻ của mình.

 Đứa trẻ rối trí của người thầy năm nào, giờ đã trở thành một người thay đổi thế giới, nhờ chiếc cầu kiều của người mẹ giàu niềm tin và lòng trắc ẩn. Nếu người mẹ của Editon tin vào lá thư nọ mà buông tay, dập tắt sự tự tin của con, nếu mẹ của Neil không nâng niu niềm mơ tưởng viển vông của đứa con bé bỏng đó – thì liệu thế giới này có thể có được những nhà thông thái với những bước tiến vĩ đại đó hay không?

Bài được đăng lần đầu tại Lightbox

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *