Tiếp nhận quan điểm của người khác không phải là kỹ năng sống tự nhiên của trẻ

Dạy kỹ năng sống : 7 kỹ năng giúp con tự tin và thành công

[ssba-buttons]

Con đứng trước mặt bạn, đôi mắt rơm rớm nước, rồi giận dỗi quay lưng đi, mặc cho bạn gọi. Đã bao nhiêu lần như thế. Mỗi khi có chuyện gì đó bị ba mẹ la, nhắc nhở là con hoặc sẽ gào lên cãi lại, hoặc con sẽ khóc và vùng vằng bỏ đi. Bạn có thể cảm nhận được sự chống đối trong câu nói, tiếng khóc, trong dáng đi của chúng. Bạn đã ước, giá mà con nói ra, con giải thích nhẹ nhàng. Có lẽ đây là một trong những tình huống quen thuộc của không ít gia đình. Nếu con bạn đang hoặc đã từng ở trong tình huống trên thì rõ ràng con thiếu tư duy phản biện, thiếu kỹ năng giao tiếp hay khái quát hơn con đang thiếu kỹ năng sống. 

Không phải chỉ mỗi mình bạn,  nhiều phụ huynh mà tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện đều thừa nhận rằng họ chú trọng đến kết quả học tập của con hơn là rèn luyện và bồi dưỡng kỹ năng sống cho con. Sai lầm đó khiến con cái của họ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.

Bạn biết không, kỹ năng sống song hành với sự phát triển của mỗi đứa trẻ và có thể giúp con bạn tự tin, thành công. Trong bài viết này, hãy khám phá những kỹ năng sống quan trọng nhất mà con bạn nên biết và cách để biến chúng thành thói quen trong cuộc sống của con.

Trong cuốn “Mind in the making”, Ellen Galinsky mô tả 7 kỹ năng sống cần thiết nhất để thành công trong mọi khía cạnh ở trường, các mối quan hệ và công việc. Đừng đợi trẻ lớn, hãy bắt đầu biến nó thành thói quen ngay từ thời thơ ấu.

7 Kỹ năng cần thiết cho trẻ 

  • Tập trung và tự kiểm soát
  • Tiếp nhận quan điểm
  • Giao tiếp
  • Tạo kết nối
  • Tư duy phản biện
  • Chấp nhận thách thức
  • Tự định hướng trong học tập

Kỹ năng sống là gì?

Có nhiều định nghĩa về kỹ năng sống, nhưng tựu chung lại, kỹ năng sống không chỉ là nhận thức mà là cách vận dụng kiến thức đã tích lũy được vào việc xử lý các tình huống thực tiễn với hiệu quả cao nhất. Qua đó cuộc sống của mỗi người trở nên ý nghĩa, vui vẻ hơn. (Theo Giá trị sống)

Cùng khám phá 7 kĩ năng sống và một số cách đơn giản để duy trì chúng thành thói quen.

Các hoạt động biến kỹ năng sống thành thói quen hằng ngày

  1. Tập trung, tự chủ

Sai lầm của ba mẹ là đã không đặt nặng tầm quan trọng của kỹ năng này ngay từ khi con còn bé. Cho con vừa xem điện thoại, tivi vừa ăn, hay khi con đang tập trung chơi trò chơi của mình lại trêu chọc bé. Tất cả những điều đó dần phá vỡ khả năng tập trung vốn đã mong manh của trẻ. 

Để giúp con có được kỹ năng sống này bạn cần xây dựng các hoạt động của con thành lịch trình, thói quen và thói quen. Điều này giúp con bạn có cảm giác an toàn, tự chủ được tất cả các công việc và tập trung. Bạn cần nói chuyện với con về mục tiêu hay mong muốn của con trong ngày và nên lặp lại hành động này vào mỗi ngày. Đảm bảo rằng, nhà cửa được sắp xếp gọn gàng, con có thể biết được vị trí của mũ, áo hay cặp, sách, vở… khi cần tìm. 

Một điều không thể thiếu khi bạn rèn luyện kĩ năng tập trung cho con đó là sự yên tĩnh. Trong thế giới ồn ào và mất tập trung này, những hoạt động yên tĩnh như đọc sách, ra câu đố, cảm nhận mọi thứ bằng giác quan giúp con bạn chậm lại và tăng khả năng tập trung.

  1. Tiếp nhận quan điểm

Sẵn sàng lắc đầu nói “không” là tình huống dễ gặp ở tất cả các đứa trẻ. Điều đó là chuyện bình thường bởi chấp nhận quan điểm của người khác không phải là kỹ năng sống tự nhiên có của trẻ. Tuy nhiên trẻ có thể rèn luyện để phát triển kỹ năng này.  Bạn hoàn toàn có thể rèn luyện cho con bằng cách thảo luận về cảm xúc, động lực của các nhân vật trong truyện. Hoặc bạn cũng có thể tạo điều kiện cho con đặt mình vào tình huống của nhân vật để đưa ra hướng xử lý.

Ví dụ: Khi đọc câu chuyện “Bí mật của ếch xanh”, bạn có thể hỏi trẻ: Tại sao ếch con lại không biết bơi nhỉ? hay “Điều gì khiến ếch xanh quyết định học bơi?”

Hay trong câu chuyện “Nàng công chúa ngủ trong rừng”, bạn có thể hỏi con: “Nếu con là nàng công chúa con có tò mò khi thấy những chiếc xa quay rực rỡ không?”…

  1. Giao tiếp

Trong những cuộc trò chuyện với phụ huynh, tôi nhận ra rằng đây là kỹ năng sống mà bố mẹ quan tâm và muốn rèn luyện cho con nhất. Có một điều bí mật ở đây mà tôi muốn tiết lộ. Nếu bạn muốn giúp con tự tin trong giao tiếp thì ngay từ nhỏ con cần được tương tác cá nhân. Tương tác cá nhân sẽ giúp con xây dựng kỹ năng xã hội một cách tích cực. Con cần được lắng nghe để học cách lắng nghe người khác. Con cần được trò chuyện một cách tích cực để học cách trò chuyện với người khác. Muốn làm được những điều đó, trẻ cần một người lớn đủ quan tâm và dành thời gian mỗi ngày cho trẻ. Và nếu bạn khao khát con mình có kỹ năng giao tiếp tốt thì bạn cần thực sự lắng nghe và trò chuyện chứ không phải làm mọi thứ một cách mơ hồ, xao nhãng, hời hợt.

  1. Tạo kết nối

Việc tạo kết nối không đơn thuần là tạo sự liên kết trong mối quan hệ giữa người với người, mà là sự kết nối các tri thức. Tri thức cuộc sống luôn có sự liên quan với nhau. Galinsky  từng nói: “Học tập chân chính xảy ra khi chúng ta có thể nhìn thấy các mối liên hệ và khuôn mẫu ở những thứ dường như khác nhau. Càng tạo ra nhiều kết nối chung ta càng tạo ra nhiều ý nghĩa cho thế giới”. Trẻ nhỏ nhìn thấy các kết nối khi chúng phân loại các loại cây cho ăn trái, lấy hoa hay rau dùng thực phẩm. Những hành động đơn giản như chọn áo quần phù hợp với thời tiết hay tình huống cũng giúp trẻ tạo các liên kết. Hoặc chỉ ra những liên kết trừu tượng hơn trong cuộc sống hay trong câu chuyện của bạn đọc. Ví dụ: Câu chuyện này làm mẹ nhớ đến chuyến về thăm quê của chúng ta vào mùa hè năm ngoái, nó làm con gợi nhớ đến kỉ niệm nào không?” 

  1. Tư duy phản biện

Hẳn bạn phải thừa nhận với tôi rằng chúng ta đang sống trong thế giới phức tạp. Trong đó người lớn được yêu cầu phân tích các thông tin và đưa ra quyết định về vô số thứ mỗi ngày. Bởi vậy, rèn luyện tư duy phản biện cho con là điều cần thiết để có thể tự quyết định mọi việc một cách ít rủi ro nhất  trong tương lai. Một trong những cách rèn luyện tư duy phản biện đơn giản mà hiệu quả là thông qua các trò chơi có kết thúc mở. Để làm được điều này, bạn cần tạo điều kiện cho con có thời gian chơi với bạn bè mỗi ngày. Các trò chơi các con dễ dàng tham gia như đóng vai (làm người lính, siêu anh hùng, cô giáo…), xây dựng công trình, chơi trò chơi trên bàn hoặc các trò chơi thể chất ở ngoài, chẳng hạn như trốn tìm, cướp cờ… Thông qua các trò chơi, trẻ hình thành giả thuyết, chấp nhận rủi ro, thử các ý tưởng nảy sinh, mắc lỗi, tìm giải pháp. Đó là tất cả các yếu tố cần thiết để xây dựng tư duy phản biện.

  1. Chấp nhận thách thức

Một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà chúng ta muốn phát triển trong cuộc sống đó là tính kiên cường – có thể đương đầu với thử thách, vượt qua thất bại và tiếp tục cố gắng. Trẻ con học kỹ năng chấp nhận thử thách khi được tạo môi trường và có những thử thách phù hợp. Môi trường sinh hoạt, học tập không quá mạo hiểm nhưng đủ để chúng cảm thấy không quá an toàn. 

Một sai lầm phổ biến mà bạn dễ dàng thấy, đó là nhiều ba mẹ vì muốn mọi thứ xảy ra theo như ý đồ của mình nên không tạo điều kiện cho trẻ thử làm mọi việc. Từ nhỏ trẻ được đút ăn, thậm chí ép ăn khi không có nhu cầu, sắp xếp sẵn áo quần, sách vở để đi học. Điều đó khiến con rơi bào cái bẫy an toàn và thụ động. Nếu bạn muốn con mình rèn luyện kỹ năng chấp nhận thử thách thì cần tạo thử thách cho con và để bé thực hiện. Khuyến khích con bạn thử nghiệm những điều mới và chấp nhận những rủi ro hợp lý có thể xảy ra như cho con leo cây, tập xe đạp…Đưa ra thử thách mới khi thấy con có vẻ sẵn sàng: “Mẹ thấy con đã sẵn sàng học cách tự thắt dây giày rồi đấy, hãy thử một lần xem”. Và đương nhiên, đừng đánh giá kết quả, hãy công nhận sự nỗ lực của trẻ. Điều đó sẽ tạo động lực cho con trong những lần sau: “Oh! Thắt dây giày cũng thật phức tạp nhưng mẹ thấy con đã rất cố gắng! Mẹ thích thấy con như thế”

  1. Tự định hướng trong học tập

Có thể bạn chưa biết điều này, một đứa trẻ yêu thích học tập sẽ hiếm khi trở thành một người lớn buồn chán trong cuộc sống. Để khuyến khích niềm yêu thích học tập bạn hãy hạn chế con xem tivi. Thay vào đó, bạn khuyến khích các hoạt động đọc, tham gia các trò chơi, các hoạt động khám phá có kết thúc mở. Điều đó kích thích sự tò mò và động lực để con tìm hiểu thế giới, đồng thời tạo thói quen lành mạnh cho con. Hơn ai hết, bạn chính là người cần truyền cho con niềm đam mê học hỏi. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách cùng con đến thăm thư viện, thảo luận cùng con các chủ đề mà con quan tâm, cùng làm và cất giữ những món đồ thủ công. Tất cả những điều tưởng như nhỏ bé đó sẽ tạo nên thói quen, sự tò mò và cả tình yêu với việc khám phá tri thức của nhân loại. 

Sai lầm của nhiều người trong chúng ta là đánh giá thấp vai trò của kỹ năng sống hoặc là chúng ta nhận ra vai trò của chúng thì điều đó khi con đã lớn. Nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng sống và đã thử dạy con nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bạn hãy cảm ơn bản thân mình vì đã chú ý đến bài viết này. Bởi giờ đây, bạn đã có trong tay 7 kỹ năng sống quan trọng nhất và những hoạt động đơn giản giúp con bạn tự tin và thành công ngay từ khi con còn là những cô bé, cậu bé tiểu học. 

Xây dựng kỹ năng sống thành thói quen của con, điều đó có thể bạn nghĩ nó không dễ dàng. Nhưng chỉ cần bạn đủ khao khát và kiên trì thực hiện con bạn sẽ trở thành những cô bé và cậu bé tuyệt vời. Con cái của bạn, là những đứa trẻ tự tin, thành công ở trường, trong các mối quan hệ và cuộc sống. Bạn còn chờ gì nữa! Hãy thực hành ngay hôm nay, rồi một ngày bạn sẽ cảm nhận được sự tuyệt vời của kết quả!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *