Đừng thô bạo với trí tưởng tượng của trẻ

Sáng nay trước giờ học, Bin lấy cây bút lông và tờ giấy mẹ để trên bàn vẽ những vòng tròn nguệch ngoạc. Ba nhìn thấy quát: “Bin, con làm gì đấy, quẹt thế kia tốn mực, hỏng cả bút bây giờ!”.

Thằng bé ngước nhìn ba ngơ ngác. Mẹ sẽ sàng hỏi: “Bin vẽ gì mà lạ thế nhỉ?”. Bin bảo: “Con vẽ gió”. Mẹ nó ngưng vài giây vì ngạc nhiên. Thằng bé tiếp: “Mẹ, mẹ vẽ bông hoa với lá cây ở đây đi, để gió cuốn bay đi”.

Một thế giới đầy bí mật

đừng thô bạo với trí tưởng tượng của trẻ

Mẩu chuyện này bạn thấy quen không? Nó dường như xảy ra thường xuyên trong mọi căn nhà có trẻ nhỏ. Trẻ thường lấy bút màu và họa lên giấy những đường nét đậm nhạt, màu sắc sáng tối hỗn độn mà đôi khi người lớn khó chấp nhận. Chúng ta đôi khi la mắng và thấy những hình vẽ đó thật ngớ ngẩn.

Chúng ta chỉ quan tâm đến việc đầu bút màu có thể bị toe ngay khi chúng hoàn thành bức vẽ, hoặc chúng có thể đâm thủng tờ giấy và làm lem màu ra tấm drap giường mới giặt.

Nhưng bạn biết không, thế giới trẻ con đầy ắp những bí mật. Đó là thế giới của trí tưởng tượng. Và nếu có thể, chúng sẽ kể cho bạn nghe những câu chuyện độc đáo. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có cơ hội để được kể. 

Trí tưởng tượng không bẩm sinh mà nó cần cả quá trình nuôi dưỡng và kích thích. Có những đứa trẻ may mắn được nâng đỡ, khuyến khích để thể hiện trí tưởng tượng, sự sáng tạo. Nhưng rất nhiều ý tưởng bị những quy tắc gia đình, những lo lắng bảo bọc thái quá bóp chết ngay từ khi mới khơi mầm. 

Bạn tôi có cậu con trai hai tuổi, thằng bé thích leo trèo lên những bậc cầu thang… Nhưng mỗi lần thấy cháu bước chân lên bậc tam cấp, ông bà đồng thanh la lớn: “Xuống ngay! Té chết bây giờ!”.

Câu nói đó lặp đi lặp lại thường xuyên đến nỗi thằng bé không dám mơ tưởng đến chuyện leo cầu thang hay thử làm một việc gì đó mà không được phép của ông bà hay bố mẹ. Không ít đứa trẻ được bao bọc trong cái kén của sự an toàn. Chúng luẩn quẩn trong những ngôi nhà mát lạnh hơi điều hòa, trong thế giới của ti vi, iPad hay đồ chơi nhiều màu sắc. Bởi vì nhiều người lớn lo lắng khi ra ngoài đường chơi con sẽ bị bụi, nắng nóng hoặc lạnh, hoặc gió… rồi sẽ bị bệnh. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ mình đang giam hãm trí tưởng tượng, sự sáng tạo của con trong những lo lắng hay không?

Ngay từ khi chập chững, trẻ muốn chạm tay vào thế giới thì lập tức nghe những tiếng nạt nộ, hò hét, nhắc nhở: “Bẩn! Nghịch quá! Thôi ngay đi!”… Có ai biết chúng ta đang làm đứa trẻ đánh mất cơ hội được cảm nhận cuộc sống đầy màu sắc, đẹp đẽ và giàu có? Thiên nhiên, bầu trời, những áng mây, màu nắng, những chiếc lá cây nhiều hình dạng… chứa muôn vàn điều thú vị, là nơi trẻ học được nhiều bài học. Nhưng những luật lệ, cấm cản tưởng chừng hợp lý đó của người lớn lại khiến chúng bị giới hạn. Điều đó dập tắt sự tò mò, sự tưởng tượng, sự sáng tạo quý báu ở mỗi đứa trẻ.

Vụ kiện kỳ lạ

Năm 1986, tại tiểu bang Nevada (Mỹ), cô bé tên là Edith, ba tuổi, một lần nhìn thấy chữ OPEN ở nắp hộp quà của mẹ, cô bé bảo chữ cái đầu tiên là chữ O. Người mẹ ngạc nhiên hỏi ai đã dạy con điều này. Edith nói cô giáo đã dạy. Sau đó, bà mẹ kiện trường mầm non nơi con chị đang học vì đã dạy chữ cho con cô khi còn quá nhỏ.

Dư luận trong thành phố và ngay cả luật sư cũng nghĩ bà mẹ “chuyện bé xé ra to” . Nhưng người mẹ đã kể ra câu chuyện này: Trong một lần đi dạo công viên ở một nước phương Đông, chị thấy đôi thiên nga. Con thiên nga lớn bị cắt một bên cánh thả trong hồ nước lớn, con thiên nga nhỏ được thả trong một cái hồ nước bé.

Người chăm sóc chúng giải thích rằng, cắt cánh con thiên nga lớn để nó không thể giữ thăng bằng, con thiên nga nhỏ ở hồ nước nhỏ thì sẽ không đủ không gian lấy đà. Như vậy chúng sẽ không thể bay.

Nghe câu chuyện đó, chị khiếp sợ. “Tôi kiện cho con gái tôi, vì tôi thấy con bé giống như con thiên nga đó trong nhà trẻ. Họ đã cắt cái cánh tưởng tượng của Edith và giam cầm nó trong cái ao nhỏ hai sáu  ký tự của bảng chữ cái quá sớm.

Có thể khả năng tưởng tượng của Edith không phong phú, nhưng bạn không thể cướp đoạt quyền tưởng tượng của con bé, vì một con thiên nga bị cắt cánh sẽ mãi mãi không thể bay lên được. Nếu không biết chữ sớm, con bé có thể tưởng tượng vòng tròn đó là quả táo, quả trứng, là mặt trời…”. Vụ kiện đó, người mẹ đã thắng.

Trí tưởng tượng sẽ thành mơ ước, mục tiêu 

Bạn đã bao giờ thấy một đứa trẻ ngồi nghịch màu sắc một cách tự do? Phản ứng của đa số chúng ta là: Đừng con! Bẩn! Con phải vẽ như vậy nè! Cái lá nên vẽ màu xanh. Sao lại toàn màu đen thế này?… 

Rất nhiều lời khuyên tương tự kiểu như thế. Sự khuôn khổ, đúng đắn là tường rào ngăn cản trí tưởng tượng – điều quý giá mà tạo hóa chỉ ban tặng một lần trong đời cho mỗi đứa trẻ. 

Khi bọn trẻ lớn lên, những va chạm thực tế khiến chúng không còn tin và những gì chúng tưởng tượng nữa, sự tò mò và sáng tạo vì vậy cũng mất dần đi.

Khoa học chỉ ra rằng, trí tưởng tượng phong phú nhất khi đứa trẻ 0 – 6 tuổi. Nếu bạn không chắp cánh, không khuyến khích thì trí tưởng tượng của trẻ cũng dần bị bó hẹp lại. 

Hạnh phúc của một đứa trẻ là được khám phá thế giới theo cách chúng muốn, hình dung thế giới theo cách mà chúng cảm nhận. Trí tưởng tượng khi được bồi đắp sẽ trở thành ước mơ, hoặc lớn hơn nữa là mục tiêu của những đứa trẻ.   

Khi đọc những câu chuyện của các vĩ nhân, người ta nhận thấy rằng, những vĩ nhân đều có điểm chung đó là có ước mơ và mục tiêu từ nhỏ. Tiger Woods vào năm 12 tuổi đã ước trở thành người chơi gôn giỏi nhất thế giới, và rồi ông ấy đã làm được.

Steven Spielberg  – đạo diễn của phim Hàm cá mập, Công viên kỷ Jura, Sinh vật ngoài hành tinh… xác định mình sẽ trở thành người làm phim nổi tiếng thế giới khi mới tám tuổi.

Warren Buffett muốn trở thành triệu phú khi mới sáu tuổi và cậu bé ấy bắt đầu đầu tư chứng khoán khi mới 11 tuổi. Chẳng bao giờ là quá sớm cho việc hình thành những giấc mơ. Vậy nên, hãy nâng niu những giấc mơ tưởng chừng ngô nghê của con.

Có thể chúng sẽ thực hiện hoặc không thực hiện tất cả những giấc mơ đó, nhưng khi được trân trọng niềm vui sẽ lấp lánh trong trái tim của chúng. Con của chúng ta sẽ tự tin để vươn lên và tạo ra những điều đẹp đẽ khác mỗi ngày. 

Bài viết được đăng lần đầu tại báo Phụ nữ

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *