Đứa trẻ cần thấu hiểu chính mình

Giúp con thấu hiểu chính mình

Chấp nhận chính mình là điều mà một đứa trẻ trường thành cần có.

Trong một lần cùng con trai nghe bài hát Monster trên youtube, con đã nhờ mình cắt nghĩa từ monster/ quái vật. Mình đã giải thích nôm na nằng: Bên trong mỗi chúng ta đều có một con quái vật. Điều đó khiến con ngạc nhiên và rất tò mò: 

– Mẹ ơi, sao bên trong mỗi chúng ta đều có một con quái vật?

Mình đã ngồi ngăn ngắn giải thích rằng: 

– Bên trong mỗi người đều có hai phần, một phần tốt đẹp, luôn yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Nhưng còn một phần khác sẵn sàng giận dữ, lớn tiếng, làm tổn thương người khác, giống như một con quái vật vậy. Bình thường phần tốt đẹp đó sẽ được thể hiện. Nhưng thỉnh thoảng khi không kiểm soát được cảm xúc thì phần giận dữ đó lại thể hiện ra bên ngoài. 

– Ví dụ như khi con giận con cứ khóc gào lên đó là lúc con quái vật của con xuất hiện hả mẹ?

– Uh, đúng rồi đó con.

Mình vẫn thường coi trọng mọi câu hỏi của con và luôn cắt nghĩa tỉ mỉ mọi thứ. Có một lần con đi học về, con bảo:

– Mẹ, hôm nay các bạn nghịch quá, cô Hường nói không nghe lời nên cô Hường la to. Lúc đó con quái vật của cô Hường xuất hiện mẹ ạ. 

Nói rồi con tủm tỉm cười.

Mình chỉ mong khi trò chuyện về những điều bên trong như thế con hiểu chính mình hơn. Từ đó có thể chấp nhận cảm xúc của mình và cũng dễ dàng bao dung với người khác. 

Chấp nhận chính mình là một trong những điều quan trọng mà mỗi đứa trẻ trưởng thành cần có. Tâm lý học gọi đó là kỹ năng tự nhận thức bản thân. 

Đứa trẻ cần hiểu chính mình
Chấp nhận chính mình là điều quan trọng mà mỗi đứa trẻ cần có

Khi còn là giáo viên dạy kỹ năng sống ở Trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố, mình nhận ra nhiều em không có được kỹ năng này. Các em bối rối và ngồi rất lâu trước câu hỏi: Điểm mạnh, điểm yếu của em là gì?

Khi cho các em làm một bài đánh giá nhỏ, các câu hỏi chủ yếu chỉ là về điểm mạnh, điểm yếu, sở thích cá nhân, mục tiêu học tập, kế hoạch để đạt được mục tiêu, rất nhiều em không thể trả lời. 

Hoàng là một trong những em học sinh thường xuyên bị nhắc nhở vì hay làm trò quấy rối trong lớp. Em đã ngồi rất lâu với câu hỏi đầu tiên: Điểm mạnh, điểm yếu của em là gì? Thấy khó khăn, mình đến gần và đặt câu hỏi:

– Hoàng không biết mình có điều gì tốt và điều gì không tốt à?

Em im lặng

– Em có nhận ra là mình có điều gì tốt đúng không?

– Dạ có

– Nhưng em vẫn không ghi điểm tốt của mình ra. Có phải là em nghĩ rằng tốt nhưng mọi người không công nhận phải không?

– Dạ cô. Mẹ em lúc nào cũng bảo em sai.

Dường như đứng trước câu hỏi ấy, em đã đấu tranh rất nhiều. 

– Những gì mình nói ra đều không được thừa nhận. Liệu nó có hoàn toàn sai? Liệu mình có luôn không tốt như những gì người khác nghĩ?

Bài đánh giá đó mình thực hiện trên 4 lớp của khối 10. Điều khiến mình bất ngờ là những lớp có tỉ lệ học sinh trả lời được câu hỏi về bản thân là những lớp có thái độ học tập, kết quả, tinh thần học tập các môn khác của các em đều tốt. Ngược lại, những em gặp khó khăn khi trả lời câu hỏi nhận thức về bản thân thì ngược lại. 

Điều đó cho thấy rằng, thấu hiểu bản thân sẽ giúp các em nhiều điều trong cuộc sống. Sự thấu hiểu đó mang lại cảm giác tự tin, các em cũng sẽ biết cách né được lằn roi của sự phán xét. Khi có được sự thấu hiểu, trẻ sẽ biết dựa vào chính mình để tìm được niềm vui trong các hoạt động vui chơi cũng như học tập. Sự tự tin đó, niềm vui đó sẽ tạo nên sức mạnh tươi mới từ bên trong của trẻ giúp trẻ có được cảm giác an toàn và mạnh dạn khám phá thế giới xung quanh của mình.

Việc giúp trẻ thấu hiểu bản thân mình không đơn giản là nói cho con biết điểm yếu , điểm mạnh của con là gì. 

Hành trình đó cần sự kiên nhẫn, thấu hiểu và bao dung. Một đứa trẻ bị cấm đoán khi thể hiện cảm xúc buồn bã, tức giận ngay từ nhỏ sẽ khó có được sự thấu hiểu bản thân mình. Để con có được sự thấu hiểu chính mình, trước hết con cần sự thừa nhận của cha mẹ. 

Cậu con trai của mình có thân hình khá nhỏ con. Mỗi lần bạn của chồng mình đến nhà chơi đều nói về điều đó, họ khuyên vợ chồng mình nên đưa trẻ đi khám và cần có “phác đồ điều trị” cho con. Thằng bé nghe được câu chuyện của người lớn, trong một bữa ăn con nói:

– Mẹ, con sẽ gầy mãi mãi vậy đó mẹ. Con sẽ không lớn được đâu.

Nghe con nói vậy, mình thương thằng bé vô cùng. Mình bảo:

– Gầy cũng đâu sao hả con. Con gầy nhưng con nhanh nhẹn, khỏe mạnh và luôn vẻ. Mẹ thích điều đó hơn. 

Thằng bé nghe vậy thì cười tủm tỉm, hai cánh mũi phồng lên tự hào. 

Chúng ta vẫn thường có xu hướng khiêm tốn khi nói về con và dạy con luôn luôn khiêm tốn. Nhưng sự khiêm tốn đôi khi khiến chúng ta phủ nhận hoặc không đánh giá đúng sự nỗ lực của con. Điều đó khiến con mất niềm tin vào bản thân của mình. Khi không được ghi nhận đúng đắn, không tìm thấy ý nghĩa của những nỗ lực, trẻ dễ chán nản công việc của mình đang làm. Trẻ cũng dễ có xu hướng chán ghét chính mình. Thay vì tập trung vào những gì con chưa làm được, cha mẹ có thể nhìn vào những điểm tốt của con.

Thừa nhận chính mình, điều tưởng như rất nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến hành vi, thái độ sống, học tập, thế giới quan của từng đứa trẻ. Chỉ những đứa trẻ hiểu được chính mình, yêu thương chính mình sẽ biết yêu cuộc đời, biết tìm kiếm niềm vui và động lực trong tất cả mọi thứ. Vì vậy, ngay từ hôm nay, hãy thừa nhận những đứa trẻ của mình như cách mà bạn đã tạo ra và như cách mà chúng vốn có.

Bài viết đăng lần đầu trên báo Phụ nữ, số ra ngày 12/4/2023

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *