Mối quan hệ giữa cá tính người viết và đọc giả mục tiêu là điều khiến nhiều người bối rối khi bước đầu xây dựng thương hiệu cá nhân. Mình nên sống khác, viết khác đi để hợp với đọc giả không? Câu trả lời vẫn là không. Cách làm đó chỉ khiến chúng ta chán ghét, mệt mỏi với công việc và hình ảnh mà chính mình đang cố tạo ra mà thôi.
Vậy làm sao để kết nối giữa cá tính của bản thân với độc giả mục tiêu? Câu hỏi này khiến mình nhớ lại quãng thời gian gần 4 năm trước – lúc đó mình đang làm sale – marketing cho trường cao đẳng nghề ở thành phố.
Nhóm nghề mà trường tuyển sinh là CNTT và kỹ thuật ô tô. Đối tượng tuyển sinh mục tiêu là các em học sinh chỉ vừa đủ điểm tốt nghiệp THPT cho hệ cao đẳng và không yêu cầu bằng cấp đối với các em học nghề.
Nhóm đối tượng này bên cạnh việc học lực ở trường không tốt thì có thêm một vài đặc điểm khác (như leader cung cấp) là không thích học hành nghiêm túc, hơi quậy, thích nói chuyện vui vẻ, trẻ trung… Vì thế, những người làm nhiệm vụ tư vấn và tuyển sinh cần xây dựng hình ảnh cũng vui vẻ, nghịch ngợm và trẻ trung.
Bản thân mình từng là giáo viên, tính cách hướng nội và nghiêm túc. Mình không thích và cũng không nói chuyện bông đùa giống như các bạn đã làm, cũng không thể nhí nhảnh và xteen hơn.
Mình tiếp cận các sinh viên và học viên tiềm năng bằng sự nghiêm túc, bằng trải nghiệm, thấu hiểu, cung cấp cho họ thông tin chân thực. Mình từng nhận khiển trách vì sự nghiêm túc đó. Nhưng kết quả lại hoàn toàn khác.
Những học viên, sinh viên mình tuyển sinh có thái độ học tập tốt, khi học đăng ký học lại giới thiệu thêm vài người bạn nữa đi theo. Vì thế kết quả của mình trong các mùa tuyển sinh luôn đạt hoặc vượt chỉ tiêu. Sinh viên, học sinh có thái độ học tập tốt. Thậm chí, trình độ đầu vào cao hơn target ban đầu.
Những đồng nghiệp khác, tiếp cận theo phong cách khác, kết quả cũng hoàn toàn khác. Họ tiếp cận và thu hút được một nhóm học sinh khác, thái độ học tập cũng khác.
Xếp mình bảo đó là luật hấp dẫn, bạn thu hút đối tượng giống bạn. Điều đó đúng, những thông tin bạn chia sẻ và cách bạn chia sẻ, sẽ thu hút đối tượng phù hợp.
Vì thế, việc của bạn là phát triển kiến thức, kỹ năng và khám phá độ sâu trong nhận thức của mình. Mình rất tâm đắc chia sẻ của chị Linh Phan (tác giả, coach) rằng: Khi bạn lớn lên, đọc giả cũng sẽ lớn lên theo.
Cách đây gần 2 năm, mình chia sẻ về làm mẹ, về những câu chuyện đời thường – đọc giả là những người mẹ, những người bạn, những người thưởng thức.
Khi mình chia sẻ về chuyên môn viết, giáo dục trẻ. Đọc giả của mình là CEO hay những người quan tâm đến giáo dục, người viết. Số lượng người đọc cũng khác đi.
Khi mình là một tác giả, một người hướng dẫn viết đọc giả chắc chắn cũng sẽ thay đổi. Sự thay đổi đó không phải là thay thế người này với người khác mà chính người đọc thay đổi về mặt bản chất, nhận thức của họ.
Khi mình hoàn tất chương trình thạc sĩ tâm lý, đọc giả của mình cũng sẽ khác đi, không chỉ gói gọn ở các dự án online mà còn ở những sân khấu khác.
Điều đó hoàn toàn phù hợp. Tuân theo sự phát triển đó bản thân mình có được động lực cũng như sự tự tin và cả niềm hạnh phúc vì đã lan tỏa đúng giá trị, được sống đúng con người hiện tại.
Vì thế, lời khuyên của mình đó là hãy tận hưởng khoảnh khoảnh khắc này của bạn. Khi bạn trưởng thành, đọc giả cũng sẽ trưởng thành theo.
Cảm ơn câu hỏi của một đọc giả. Mình sẽ chia sẻ hành trình viết, nhưng mình thích ưu tiên trả lời câu hỏi của các bạn. Vì thế, nếu bạn có thắc mắc, đừng ngại đặt câu hỏi cho mình. Hoặc bạn có thể tham gia cộng đồng Trở thành cây viết giáo dục để thảo luận nhé!