Nếu bạn post một bài kiểu như : Hôm nay mình vừa đánh con, huhu, ân hận quá lên facebook, post đó dễ có cả trăm like và còm ở dưới vì đồng cảm. Nhưng đó là bạn đánh con. Còn lỡ bị con đánh thì cảm giác của bạn sẽ như thế nào? Tức giận thậm chí là muốn “nổi điên” lên, có khi thằng bé sẽ nhận ngay vài quả tét vào mông, vào tay đau điếng. Kèm theo đó là những câu đại loại như: Tại sao con lại đánh mẹ/bố? Con hư quá! Như vậy là hỗn, biết chưa! Như vậy là không thương mẹ/bố! Bố/mẹ sẽ không cho con đi chơi nữa…. Và thằng bé nhà bạn sẽ ỳ mặt ra hoặc khóc lóc thảm thiết. Bạn thấy chuyện đó thật tệ, cảnh nhà bạn lúc đó không khác gì vừa xảy ra hỗn chiến.
Mình cũng từng trải qua những giờ phút tương tự. Cách đây 2 hôm, thằng bé nhà mình vừa đánh một cái như trời giáng vào mặt mình.Chỉ vì mình mới đọc cho nó 6,7 quyển sách gì đó và kêu nó đi ngủ. Thằng bé xin mình đọc thêm cho nó nghe 1 truyện nữa nhưng mình đã nói một cách kiên quyết là “không được”. Kết quả như bạn vừa đọc được, mình bị một tát như trời giáng vào mặt. Mình đau lặng cả người và cũng im lặng vì … không muốn la. Tất nhiên, ba nó quát tướng lên và nó khóc một cách đầy oan ức, đưa đôi mắt nhìn mình một cách khá thê thảm.
Những trường hợp bị con đánh thường như vậy, hoặc là bạn sẽ giận điên người, hoặc là bạn im lặng và những người xung quanh giận thay cho bạn. Ông bà hoặc hàng xóm sẽ bảo rằng: Con hư quá, phải dạy lại con. Hoặc chắc chắn bạn cũng bị vạ lây rằng, mẹ chẳng biết dạy con tí nào, yêu cho lắm giờ đó đánh cho vào mặt….
Nhưng bạn biết không, mỗi phản ứng của con đều có một lý do nào đó. Khi con đánh bố mẹ, bạn bè hoặc con có những hành vi xấu, con như một ngọn lửa. Việc của bạn là để cho ngọn lửa đó tự tắt hoặc là làm dịu ngọn lửa đó chứ không phải làm đổ thêm dầu vào lửa.
Con phản ứng thái quá bằng cách đánh bố mẹ, hoặc đánh bạn của mình nó là tiếng nói của sự bất lực. Con có nhu cầu nhưng không biết cách để diễn đạt, để thuyết phục. Con cảm thấy quyền lợi của mình đang bị đe dọa và không biết cầu cứu ai.
Hoặc con muốn gây sự chú ý với bạn mà không biết phải làm thế nào.
Vậy nên, khi con đánh bạn, bạn có thể xử lý bằng những cách sau:
Bước 1: Đừng phủ nhận cảm xúc của trẻ. Những câu nói như: Con không được đánh bạn, Đánh bạn là hư, Chỉ vì bạn không cho con bánh mà con đánh à… chỉ khiến ngọn lửa trong con bốc cao thêm. Thay vào đó, bạn hãy công nhận và giúp trẻ gọi tên cảm xúc của mình. Ví dụ như: Con giận mẹ vì con muốn đọc sách nữa mà mẹ không đọc đúng không? Hay, bạn giành đồ chơi mà con không biết phải làm sao để ngăn bạn lại à? Con buồn vì bạn không chơi với con à?…Bạn cũng có thể đặt câu hỏi: Tại sao con đánh bạn? nhưng nhiều trẻ sẽ khó khăn khi tìm câu giải thích. Vậy nên giúp con gọi tên cảm xúc của mình nó sẽ dễ dàng cho bé hơn. Việc ngồi xuống gần tầm mắt với con, giúp con hiểu được cảm xúc của mình sẽ khiến con bìnhtĩnh và ngọn lửa trong con cũng vì vậy mà dịu đi.
Bước 2: Nói với con biết rằng, đánh ai đó là không đúng. Bạn có thể giải thích rằng: Con đánh như thế mẹ thấy rất đau. Hoặc, con xô bạn, bạn sẽ bị té và gặp nguy hiểm. Hoặc, nếu đánh bạn, bạn đau, bạn sẽ không thích chơi với con. Con cắn bạn, chắc chắn bạn sẽ không cho con bánh
Bước 3: Hướng dẫn cho con biết điều con cần làm. Nguyên nhân chính của các hành vi xấu đó là trẻ không biết cách diễn đạt suy nghĩ của mình. Vậy nên bạn cần hướng dẫn con sử dụng lời nói và hành động càng chi tiết càng tốt. Con có thể nói rằng: Mẹ đọc cho con thêm 1 quyển sách nữa thôi, con thích truyện “3 chú heo con”; hoặc: Cho mình một miếng bánh nhỏ đi, hôm sau mình sẽ cho bạn lại; hoặc: Cô giáo ơi, bạn Tí lấy đồ chơi của con! hoặc là, cho mình mượn chiếc xe này một tý nhé! Mình sẽ trả lại bạn…
Chỉ cho con thấy cái sai nhưng nếu không hướng dẫn cách làm đúng con sẽ sợ hãi và bối rối và sẽ dễ dàng vi phạm lại. Việc bạn hướng dẫn con cách xử lý sẽ giúp con nhận ra bài học của mình và tự tin hơn.
Việc đánh, mắng hay kỷ luật con hoặc lờ đi trong những tình huống như thế không giúp con hiểu ra vấn đề của mình mà còn tăng khoảng cách của con và bạn. Những ẩn ức trong lòng con sẽ tích tụ vì trẻ thấy buồn, thấy oan ức, hoặc không hiểu phải làm sao. Con sẽ không tin tưởng vào bố mẹ, đơn giản vì con cảm thấy bố mẹ đã không hiểu mình. Chính vì thế, chống đối hoặc lầm lì, không chịu chia sẻ là biểu hiện mà các bố mẹ dễ thấy ở con khi bị đòn, bị phạt, bị mắng thường xuyên.
Lắng nghe và thấu hiểu bằng tình yêu thương sẽ giúp con trưởng thành hơn về cảm xúc, biết kiểm soát, thể hiện cảm xúc của mình. Vì vậy con tự tin và hạnh phúc hơn. Không chỉ vậy, dạy con bằng sự thấu hiểu cũng là cách giúp bố mẹ, thầy cô trưởng thành, bao dung và có cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Vậy nên, khi bị con đánh hoặc thấy con đánh bạn, hãy hít một hơi thật sâu, kiểm soát cảm xúc của mình và giúp con bình tĩnh hơn trước khi dạy con về một bài học nào đó nhé.