Làm thế nào để viết hay hơn?

Làm thế nào để viết hay hơn?(Hướng dẫn cụ thể)

Viết lách là một hành trình khám phá không ngừng, và câu hỏi làm thế nào để viết hay hơn là điều rất nhiều cây viết băn khoăn. Tháng 10 vừa rồi, một học viên của tôi đã trì hoãn cả tháng trời không viết. Chị hỏi tôi rằng: Chị cần viết hay hơn, làm thế nào để viết hay hơn?

Làm thế nào để viết hay hơn là câu hỏi của rất nhiều cây viết. Bản thân tôi cũng tự đặt vấn đề đó n lần. Nhưng, sẽ không có đáp án cho việc câu hỏi đó. Bởi hay – dở phụ thuộc vào cảm nhận riêng của từng người. Người này cảm thấy hay nhưng người kia sẽ không cảm thấy thế. Và chẳng có cái áo nào có thể may vừa cho tất cả được. Vì thế, tôi đưa ra lời giải cho bài toán: Làm thế nào để có thể tạo ra một bài viết tốt?

Một bài viết tốt là một bài viết:

  • Phục vụ cho một nhóm độc giả cụ thể
  • Giúp độc giả nhận ra hoặc giải quyết được một nhu cầu nào đó, nhu cầu hiểu biết hoặc nhu cầu về cảm xúc, hoặc cả 2.

Bạn có quan tâm đến việc làm thế nào để tạo ra một bài viết tốt không? Nếu có thì hãy đọc phần tiếp nhé. Để có một bài viết tốt, bài viết của bạn cần:

Hướng đến 1 đối tượng độc giả cụ thể

Nhiều người có thể dễ dàng nói rằng, họ viết cho độc giả a,b nhưng khi bắt tay vào viết, họ quên mất điều đó. Vì thế xưng hô sai, cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề không đúng.

Ví dụ: Bạn viết bài review sách cho trẻ teen. Đối tượng viết bài hướng đến là phụ huynh (Phụ huynh đọc review rồi mua về cho con). Nhưng khi chia sẻ về nội dung sách lại viết rằng: Phần nội dung của cuốn sách này mang đến cho bạn: 7 chủ điểm quan trọng liên quan trực tiếp đến quá trình học tập, phân tích kỹ lưỡng những vấn đề cốt lõi của học tập.

Để bài viết hướng đến đúng đối tượng bài viết có thể chỉnh lại như sau:

Khi đọc cuốn sách các con được: Thực hành với 7 chủ điểm quan trọng mà con học ở trường. 

Viết câu đơn giản

Sử dụng câu, từ, cách diễn đạt đơn giản nhất có thể. Bạn có bao giờ cảm nhận là mình viết câu dài quá không? Gần như 100% học viên học viết với mình đều mắc lỗi viết câu dài. Viết dài nhưng không diễn đạt rõ ràng, chắc chắn sẽ dẫn đến việc câu không rõ nghĩa, rối nghĩa thậm chí là tối nghĩa. Vì thế, nếu bạn đang ở trong giai đoạn đầu của việc luyện kỹ năng viết, hãy tập viết câu ngắn. Câu chỉ có 1 thành phần chủ ngữ – vị ngữ (hoặc thêm 1 thành phần phụ).

Thay vì viết:

Mình cực kì thích cuốn sách này ngay khi cầm cuốn sách trân tay và dở qua một lượt, phần trình bày rất khoa học, chi tiết

Bạn có thể viết:

Mình cực kỳ thích cuốn sách này. Cảm nhận đầu tiên của mình ngay khi cầm là cuốn sách trình bày rất khoa học, chi tiết.

Dùng từ rõ nghĩa, đơn giản

Có một quan điểm mà mình vẫn luôn giữ làm kim chỉ nam khi viết bài đó là:

Một bài viết tốt là một bài viết có thể giúp độc giả thông minh thêm chứ không phải để khoe khoang sự thông minh của tác giả.

Bài học này mình học được từ chị Linh Phan khi mới chập chững viết được 5, 10 bài đầu tiên. Hồi đó, mình dùng từ rất hàn lâm. Sau này, khi tự học viết phong cách báo chí, mình nhận ra rằng, viết đơn giản không khó. (Viết báo chí là một trong những cách tuyệt vời mà mình luyện kỹ năng viết đơn giản). Chỉ cần khi viết, đặt mình vào vị trí của độc giả để cảm nhận. Bạn muốn bài viết của mình tiếp cận được với càng nhiều độc giả thì bạn càng cần luyện để diễn đạt đơn giản hơn. Để từ ngữ bạn dùng có thể đơn giản, thay vì dùng các từ Hán Việt, từ tiếng Anh, bạn hãy biên tập và thay thế bằng từ thuần Việt. 

Tập trung vào vấn đề mà độc giả mục tiêu quan tâm

Độc giả chỉ cảm thấy hài lòng và yêu thích với bài viết khi bài viết phục vụ nhu cầu của họ. Đừng hi vọng bài viết của bạn được tất cả mọi người yêu mến, nó chỉ phù hợp với 1 nhóm đối tượng và hãy làm tốt điều đó bằng cách viết về những điều độc giả của bạn cần. 

Một thông điệp cụ thể

Bài viết cần có thông điệp, đó là món quà mà bạn tặng cho độc giả khi họ dành thời gian cho bài viết. Sai lầm mà những người mới gặp phải đó là bài viết của họ thiếu mất thông điệp, hoặc nhiều thông điệp. Đừng ôm đồm nhiều vấn đề, bạn chỉ cần làm tất cả mọi thứ để làm nổi bật thông điệp đó thôi. Thông điệp của bài viết sẽ được nổi bật khi các ý trong toàn bộ bài viết được tổ chức vì một mục tiêu duy nhất.

Ví dụ như bài viết đưa ra vấn đề: “Vì sao trẻ tuổi teen cần đọc sách ngoại khóa?”. Thì phần nêu vấn đề, các luận điểm trong thân bài và kết bài cần tập trung giải quyết câu hỏi này thôi. Kết thúc bài viết, bạn cần đọc lại để tự kiểm trả xem, câu hỏi, vấn đề đưa ra đã thực sự được giải quyết chưa? Nếu chưa thì cần làm gì nữa để mọi thứ sáng tỏ hơn?

Bài viết cần mang lại một cảm xúc

Bạn muốn độc giả có cảm xúc gì khi đọc bài viết này? Hài hước, xúc động, đồng cảm, biết ơn, cảm kích hay là gì? Cảm xúc giống như một chất xúc tác tuyệt vời để khiến cho mọi thông tin trở nên dễ hấp thụ. Nó giống như món nước dừa bí mật để khiến cho nồi thịt hầm trở nên mềm mại, béo và ngon miệng mà bọn trẻ nhà bạn trầm trồ. Bà nội trợ nào yêu trẻ cũng biết điều này. Nếu bạn yêu độc giả của mình, bạn sẽ tìm ra cách.

Thường thì những bài viết chuyên môn sẽ khó tạo ra được cảm xúc. Nhưng nếu bạn biết cách khéo léo lồng ghép các câu chuyện thì sẽ tạo ra được những hiệu ứng cảm xúc.

Chừng đó yếu tố có thể khiến cho bài viết của bạn được yêu mến. Và nó cũng chính là cách bạn chinh phục trái tim độc giả lâu dài. Hãy lưu lại các gợi ý trên lại và biên tập bài viết của bạn một vài lần thử xem nhé. Bạn sẽ thấy những tín hiệu tình yêu từ độc giả của mình đấy. 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *