Hôm nay mình định không viết về điều gì cả mà chỉ dành thời gian đọc sách. Mình thức dậy từ 3 giờ sáng và đọc cuốn Cân bằng cảm xúc cả lúc giông bão của Richard Nicholls – nhà trị liệu tâm lý người Anh. Mình đọc được một điều khá tâm đắc đó là sự tích cực hay tiêu cực trong suy nghĩ của chúng ta đều bắt nguồn từ lối mòn suy nghĩ. Điều này khiến mình nhớ đến những ngày mình còn là giáo viên ở miền Nam.
Hồi đó, sổ đầu bài là thứ mà tất cả các giáo viên đều quan tâm. Ở đó, mọi người sẽ ghi tên những học sinh mắc lỗi và những học sinh được khen. Nhưng đa số ở đó sẽ ghi tên học sinh mắc lỗi nhiều hơn. Có em từ tuần này đến tuần khác luôn có tên trong sổ đầu bài với đủ các lời phê: Nói chuyện nhiều, không nghiêm túc, tiếp thu chậm, không thuộc bài, không chuẩn bị bài cũ…. Em nào bị nhắc tên liên tục thường sẽ chịu một hình thức kỷ luật nào đó từ giáo viên chủ nhiệm.
Đến giờ nhìn lại, cách đó không mang lại hiệu quả trong việc thay đổi hành vi hay thái độ của những đứa trẻ đó mà có thể khiến chúng ngỗ nghịch theo một cách khác.
Có lần, mình hỏi Duy Anh – thằng bé chuyên diễn trò hề, hay nói chuyện trong giờ học và thường xuyên có tên trong sổ đầu bài. Em có dự định sau này mình sẽ làm nghề gì? Nó bảo: Mẹ em nói, mai mốt cho em đi bán vé số chứ học dốt quá, bị mắng miết. Và thằng bé nghỉ học giữa chừng thật.
Thằng bé Kem hàng xóm mình, mê bóng đá, đá bóng giỏi nhưng không học giỏi như kỳ vọng của cha mẹ. Mỗi lần nhắc đến nó, ba mẹ nó lại thở dài bảo: Nó học tệ lắm, nhắc thì học không nhắc thì thôi, chẳng biết phải làm sao.
Mình nhận ra hầu chúng ta khi nói chuyện về con cái hay về bản thân thường chỉ nói về những điều tiêu cực, những điều chưa tốt như một cách thể hiện sự khiêm tốn. Chúng ta nghĩ, bản thân chúng ta chưa thực sự tốt, hoặc những đứa trẻ của chúng ta chưa tốt như cách mà ta mong muốn và chúng ta tập trung vào những điều đó. Chúng ta nói về điều chưa tốt để mong muốn, đứa trẻ hiểu rằng nó đã tệ như vậy, nó cần biết về mặt tiêu cực đó một cách rõ ràng để thay đổi.
Ngày xưa, mình vẫn được dạy dỗ theo cách đó. Mình học dở các môn tự nhiên và suốt những năm tháng đi học vẫn luôn tự ti về điều đó. Đã chẳng ai nói với mình rằng mình có khả năng sáng tạo và cách diễn đạt hay ho.
Việc rỉ vào tai trẻ về những nhược điểm, những điều tiêu cực không mang đến kết quả như bạn mong muốn. Thường xuyên nghe về những lời tiêu cực, chúng ta sẽ có xu hướng tự nói với bản thân mình rằng: Mình đã tệ như vậy đấy! Tiếng nói nội tâm đó lặp đi lặp lại hằng ngày kèm theo những cảm xúc thất vọng về chính bản thân mình khiến chúng mất niềm tin vào bản thân mình và mất động lực học. Cảm xúc tiêu cực và niềm tin đó trở thành một lối mòn trong suy nghĩ của chúng. Chúng sẽ trượt dài trong lối mòn đó và bạn chỉ nhìn thấy con mình mãi không thể thay đổi.
Vậy, có cách nào để con chúng ta thay đổi không? Tin tốt cho bạn là có, nhưng người thay đổi trước hết phải là bạn. Thay vì nói những điều tiêu cực về con, hãy tập nhìn vào những điều tốt đẹp mà con bạn có và nói với con về điều đó. Tạo cho con bạn một lối mòn mới trong suy nghĩ của chúng: Chúng có những điều tốt đẹp riêng mà những đứa trẻ khác không có và chúng có thể làm được mọi việc chỉ cần làm đúng cách và kiên trì. Tất nhiên, để gieo cho con mình những suy nghĩ gì thì bạn phải tin tưởng vào điều đó. Có như vậy mới có thể hiệu quả được.
Thằng bé nhà mình là đứa nhỏ nhất trong đám bạn của nó. Khi mình ra ngoài, nhiều người vẫn ái ngại bảo là nó nhỏ quá, coi chừng con bị suy dinh dưỡng. Điều đó là sự thật, chỉ số cân nặng và chiều cao của thằng bé ở mức trung bình. Nhưng mình chưa bao giờ nói với con về điều đó mà chỉ nói với con về những điều tuyệt vời mà thằng bé có. Bởi vậy, đôi khi thằng bé ngồi vẽ ra viễn cảnh: Mẹ ơi, con khỏe mạnh nè, mai mốt con học giỏi nè, con đi làm ở trường đại học như ba. Lớn lên con sẽ là một chàng trai như vậy đó. Đó chỉ là ước mơ vu vơ của thằng bé 3 tuổi. Nhưng mình tin, nếu cho con đủ niềm tin con sẽ tự tìm thấy chân trời của mình.