Khi khám phá được phong cách học sở trường của con thì sẽ có nhiều thuận lợi. Các con sẽ cảm thấy thoải mái khi học.
Cháu thường xuyên thiếu nghiêm túc trong giờ học
Cháu lơ đễnh…
Cháu không hiểu bài….
Mỗi lần hỏi thăm hoặc nhận tin nhắn, cuộc gọi từ giáo viên chủ nhiệm bạn lại cảm thấy nóng bừng trên khuôn mặt, choáng váng và như mất hết năng lượng. Sau bao nhiêu cố gắng hướng dẫn, nỗ lực dặn dò, thưởng, phạt có đủ nhưng mọi thứ vẫn như cũ. Tình hình của con vẫn không khá lên được chút nào. Bạn thầm nghĩ: “Chắc phải nghĩ ra một hình phạt mới hay là tăng thêm giờ học phụ đạo buổi tối?”
Không! Tất cả những phương án đó không giải quyết được vấn đề. Bạn thừa biết mà, bạn đã từng áp dụng và thấy nó hoàn toàn không hiệu quả?
Bạn biết rằng, mình cần phải làm gì đó để giải quyết vấn đề, con bạn mới đang học tiểu học, còn quá nhiều ngày tháng học hành ở phía trước…Nhưng bằng cách nào thì bạn thực sự đang bế tắc. Lúc này bạn có thể thả lòng một chút, bởi không phải mỗi con bạn, mà chuyện này xảy ra thường xuyên ở nhiều trẻ. Thái độ học tiêu cực, kết quả học không tốt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng có một nguyên nhân quan trọng là do PHONG CÁCH HỌC (Learning style) của con khác với PHONG CÁCH DẠY của giáo viên, người hướng dẫn.
Như việc, một chú chim cánh cụt buộc phải bay lên mới có đồ ăn giống như nhiều con chim khác, trong khi chú ta có thể dễ dàng ăn no nên cá khi bơi dưới nước vậy.
Mỗi đứa trẻ có một phong cách tiếp nhận thông tin khác nhau
Phong cách học (Learning Style) là gì? Đó là môi trường giáo dục trong đó người học có hứng thú học tập tốt nhất. (Stewart và Felicetti định nghĩa) Theo các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và khẳng định, có 3 phong cách học khác nhau.
- V – Phong cách học bằng quan sát (Visual)
- A – Phong cách học bằng thính giác (Auditory)
- K – Phong cách học bằng thực hành, trải nghiệm (kinesthetic)
Có sự khác nhau trong cách tiếp nhận thông tin ở mỗi đứa trẻ là bởi sự phân bố số lượng nơron thần kinh ở mỗi vùng não của mỗi người khác nhau. Có người, nơron thần kinh tập trung nhiều ở tai, thì kĩ năng nghe nhạy bén, mạnh mẽ. Có người, nơron thần kinh tập trung nhiều ở thùy chẩm thì kĩ năng quan sát, nhận diện bằng mắt tốt. Có người, nơron thần kinh tập trung nhiều ở vùng não vận động thì khả năng vận động nổi trội.
Cũng vì vậy, những người có nơron thần kinh tập trung ở vùng tai nhiều, khả năng nghe của họ tốt, thì những vùng não khác, nơron thần kinh sẽ phân bố ít hơn và kĩ năng khác cũng hạn chế hơn.
Thông thường, trẻ học cách cân bằng cả ba phong cách. Nhưng phát hiện một phong cách sở trường sẽ cho phép con bạn phát triển một cách mạnh mẽ hơn.
Nếu bạn biết được phong cách học của con thì có thể giúp được gì cho con? Hải đã có cơ hội gặp gỡ chị Phạm Ngọc Linh – chuyên viên giáo dục, CEO công ty ngoại khóa Talentkids Đà Nẵng và được chị chia sẻ.
Khi khám phá được phong cách học sở trường của con thì sẽ có nhiều thuận lợi:
– Đối với trẻ, các con sẽ cảm thấy thoải mái khi học. Trẻ được dùng sở trường của mình để tiếp thu kiến thức mới. Điều đó giúp các con bớt căng thẳng trong quá trình học và có thể kéo dài thời gian tập trung vào việc học, góp phần cải thiện học lực trong sự vui vẻ và thích thú .
– Đối với phụ huynh, nắm rõ phong cách học của con, ba mẹ có thể lựa chọn phương pháp hướng dẫn, giúp đỡ con học tập phù hợp với đặc tính của con mình. Điều này sẽ tạo không khí hòa thuận, gần gũi giữa ba mẹ và con cái .
Ba mẹ cũng sẽ là người ủng hộ con tốt hơn khi gặp những tình huống khó khăn ở trường.
Biết phong cách học tập của con, ba mẹ sẽ có cơ sở để lựa chọn các hoạt động sau giờ học, ngoại khóa, cắm trại phù hợp với con hơn.
Theo chị Ngọc Linh phân tích, đối với những trẻ học bằng phong cách thực hành, trải nghiệm (kinesthetic) , khả năng ngồi yên một chỗ để nghe cô giáo giảng trong lớp học gặp khó khăn. Vì vậy, các con thường bị dán nhãn là không nghe lời, quậy phá, thiếu nghiêm túc. Do đặc thù của nhiều môn học và phong cách dạy của giáo viên không phù hợp nên trẻ học theo phong cách thực hành, trải nghiệm thường khó tập trung, khó ghi nhớ nội dung bài học, dẫn đến hậu quả mất kiến thức cơ bản.
Có thể ngay từ đầu tiết học,các em vẫn còn rất hứng thú (vì mới được vận động xong), nếu cô giáo giảng những nội dung chính, trẻ sẽ nhớ được bài.
Nhưng nếu giáo viên dẫn dắt vấn đề vòng vo, sau đó mới đi vào nội dung bài, thời điểm đó, trẻ đã bắt đầu giảm khả năng chú ý, trẻ sẽ không hiểu bài, không nhớ bài và mất kiến thức cơ bản bài học đó.
Mất căn bản liên tục, ba mẹ nghĩ ra cách sẽ tìm thầy cô giáo để dạy cho con căn bản. Nhưng giáo viên dạy phụ đạo, lại là người cũng không hiểu về phong cách học của con là gì. Giáo viên phụ đạo lặp lại cách truyền đạt như trước đó, yêu cầu con ngồi yên lặng viết, đọc, làm bài…. Vì vậy, con sẽ mãi luẩn quẩn trong rắc rối học mà không hiểu, không nhớ….Và bị đánh giá là yếu, kém, không nghe lời…
Tương tự như vây, các trẻ học bằng phong cách nhìn nhưng giáo viên và ba mẹ mỗi lần hướng dẫn điều gì mới lại chỉ dùng lời nói để diễn đạt, thì khả năng hiểu vấn đề của trẻ thấp. Dẫn đến kết quả học không cao hoặc trẻ bị hiểu lầm là không biết nghe lời ba mẹ.
Vậy thì có cách nào giúp bạn xác định phong cách học để trẻ cũng như gia đình, thầy cô dễ dàng hơn trong việc hướng dẫn và học?
Cách xác định phong cách học phù hợp của trẻ.
Bạn biết không, ở những nước có nền giáo dục tiến bộ, trẻ em được làm bài trắc nghiệm ngay từ khi còn học mẫu giáo để xác định phong cách học sở trường của mình. Sau đó, trường sẽ phân chia trẻ vào từng lớp dựa trên phong cách học đó và giáo viên sẽ dạy theo phong cách học cho phù hợp với học sinh. Ở Việt Nam thì khái niệm phong cách học còn khá mới mẻ. Vậy nên bạn có thể tự xác định phong cách học của con mình, từ đó có thể định hướng và giúp đỡ con trong việc học, tiếp nhận thông tin.
Một số phương pháp mà phụ huynh có thể chọn như: Cho con trả lời các câu hỏi, làm bài trắc nghiệm, tiến hành sinh trắc vân tay hoặc có thể quan sát con và cho con trải nghiệm bằng ba phong cách, sau đó xác định phong cách phù hợp.
Chị Ngọc Linh cũng là một bà mẹ có con trai 8 tuổi.Chị chia sẻ, ngay từ nhỏ, bé hiếu động và luôn bị các cô giáo phàn nàn về chuyện con học không nghiêm túc, không hiệu quả. Vì vậy, chị đã thử nhiều phong cách học sau đó tìm ra được phong cách học phù hợp của con.
Chị Ngọc Linh kể, hồi mới tập xe đạp cho bé, mặc dù mẹ dặn đi dặn lại, hướng dẫn để con không bị té, hay chỉ cho con thấy bạn đi như vậy là bị té. Nhưng bé vẫn không nghe lời. Phải cho đến khi bé tự trải nghiệm về việc chạy xe đạp chưa vững, mà gác chân lên và bị té, lúc đó bé mới tự rút được bài học.
Lần khác là câu chuyện về việc học bảng cửu chương toán. Người nhà hướng dẫn cho bé đọc đi đọc lại bằng cửu chương nhưng gần 1 tháng trời bé không thể thuộc nổi. Cho đến khi, hai mẹ con vừa làm việc nhà vừa học thì con lại thuộc chỉ trong vòng 1 giờ. Bằng nhiều trải nghiệm tương tự như thế, chị Ngọc Linh nhận ra rằng, con mình phù hợp với phong cách học trải nghiệm, thực hành. Từ đó áp dụng những cách học khác nhau để phù hợp với phong cách đó. Từ đó, con vui vẻ, học nhanh, cả chị và con không còn gặp nhiều áp lực từ việc học nữa. Cô giáo cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý và hướng dẫn con học ở trường.
Ba mẹ có thể tham khảo một số hướng dẫn sau để xác định phong cách học tập của con mình.
Dấu hiệu cho thấy trẻ học bằng phong cách vận động (kinesthetic)
Có năng khiếu về thể thao, khiêu vũ hoặc các hoạt động thể chất khác.
Có xu hướng bồn chồn khi ngồi yên tại chỗ, trẻ có thể cần đi lại khi xử lý thông tin
Thường dùng cử chỉ để mô tả sự vật hay kể chuyện
Thích các hoạt động thực hành
Thích viết hoặc vẽ
Phát triển thể chất sớm như đi bộ hay bò, ngồi sớm
Phối hợp tay hay biểu hiện sắc mặt linh hoạt.
Dấu hiệu cho thấy trẻ học bằng phong cách nghe (Auditory)
Trẻ học bằng thính giác thường bị thu hút bởi âm thanh. Đặc biệt thích âm nhạc và thường thể hiện năng khiếu chơi nhạc cụ hoặc ca hát.
Khả năng nói tốt, biết lắng nghe, tuân thủ các quy tắc bằng miệng.
Có thể để ý đến những âm thanh bên ngoài như tiếng mưa, tiếng côn trùng mà nhiều trẻ khác không để ý
Dấu hiệu cho thấy trẻ học bằng mắt (Visual)
Có khả năng quan sát tốt và thích nghệ thuật trang trí
Thích xem tranh, quan tâm đến tất cả các bức hình hay tranh minh họa trong sách
Trẻ thích thú với các màn hình máy tính, ti vi và ghi nhớ các thông tin khi xem.
Thường có ký ức sống động, có kĩ năng ghi nhớ tên, địa điểm, khuôn mặt tốt.
Có khả năng xác định hương hướng tốt
Thích đọc sách và vẽ…
Khi biết con mình phù hợp với phong cách học nào rồi, thì việc quan trọng là ba mẹ, người hướng dẫn cần tạo môi trường phù hợp cho con để con thuận lợi hơn trong việc học tập và có kết quả tốt hơn.
Có một thực tế ở Việt Nam, cả 3 đối tượng này đang ngồi chung 1 lớp và giáo viên đa số cũng đang dùng quan điểm dạy học cá nhân để truyền thụ. Những giáo viên hướng dẫn bài bằng cách nói, thì những trẻ tiếp nhận thông tin bằng kênh nghe sẽ hiểu bài nhanh hơn, học tốt hơn. Còn những trẻ tiếp nhận thông tin bằng hình ảnh hoặc bằng vận động sẽ gặp khó khăn. Trong thời lượng tiết học ngắn ngủi và khối lượng kiến thức nhiều có phần khô khan, sẽ khó để giáo viên tạo hoạt động học phù hợp cho cả 3 đối tượng. Vì vậy, có những đứa trẻ học tốt môn này mà không học được môn kia là bởi phong cách dạy và đặc thù của từng môn.
Ở mặt tích cực, học trong môi trường nhiều phong cách, dần dần con có thể rèn luyện để phù hợp với các tình huống học tập khác nhau. Chính vì vậy, bạn cần hiểu con, tìm được phong cách học của con để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho con học ở nhà lẫn ở trường. Có như vậy, mới tạo điều kiện thuận lợi cho các con trong việc tiếp thu các kiến thức cũng như có định hướng học tập cho con hòa nhập tốt hơn.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Hải, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích hãy chia sẻ nó để nhiều người cùng biết nhé!
Bạn có thể tìm hiểu thêm về chiến lược học tập phù hợp cho trẻ học bằng phong cách Trải nghiệm, thực hành, Thính giác, Quan sát.