Phát triển kỹ năng viết từ thói quen

Thói quen giúp phát triển kỹ năng viết

“Bầu trời màu xanh

Đám mây màu trắng

Ánh nắng màu vàng

Chim bay lang thang”

Mình khe khẽ hát bốn câu bừa bật ra trong đầu khi nằm ngửa mặt lên trời chơi với con ở công viên. Bốn câu hát rất trẻ con đó bật ra khiến trái tim mình giãn ra và mỉm cười. Mình đã kịp “chụp” một khung cảnh thật đẹp bằng ngôn ngữ. 

Thói quen quan sát, suy ngẫm và ghi chép lại những điều diễn ra trước mắt là một thói quen mình duy trì mấy năm nay. Với mình đó là một thói quen thực sự có ích giúp phát triển kỹ năng viết. Việc quan sát , suy ngẫm, ghi chép khiến cho mình nhìn mọi thứ đang diễn ra một cách có trọng tâm. Khiến cho mình có thể “thấy” được cuộc sống xung quanh rõ ràng hơn. Điều mà trước đó mình không có được. Mình vẫn thường nói đùa rằng, trước đó mình nhìn nhưng không thấy. 

Khi viết ra những điều trông thấy và những suy nghĩ về nó khiến cho các ý tưởng trong đầu trở nên rõ ràng, mạch lạc hơn. Với mình, điều này tạo ra quán tính, tạo ra lực đẩy với từ ngữ. Mình không khó khăn khi bắt đầu viết nữa. Hay nói cách khác thói quen diễn đạt hằng ngày khiến cho việc viết của mình trở nên dễ dàng. Mình dễ để bắt đầu hơn và những bài viết không mất nhiều thời gian để biên tập như trước. 

Thói quen quan sát, ghi chép đó cũng khiến cho mình có nhiều chất liệu hơn trong quá trình viết. Các phóng viên báo chí thường duy trì thói quen này, họ gọi là “Morgne file” – tệp cố liệu (Theo Austin Kleon). Tệp cố liệu là nơi bạn lưu trữ những tư liệu sẽ được phục chế trong các tác phẩm của bạn sau này. 

Thời điểm còn là giáo viên, mình hầu như ghi nhật ký mỗi ngày về công việc. Nhờ nó mà khi viết bài báo về tâm lý trẻ mình có tư liệu, có câu chuyện để trích dẫn. Hay khi chăm con, những tình huống được mình ghi lại trở thành chất liệu để viết. Với mình những ghi chép đó vẫn thật quý giá.

Quan sát, suy ngẫm, ghi chép là cách lưu trữ tài liệu, cách rèn luyện kỹ năng viết và nó còn là cách để người viết thể hiện góc nhìn riêng của mình về cuộc sống. 

Điều này thật quan trọng. Góc nhìn riêng của tác giả chính là linh hồn tạo nên sức sống và sự khác biệt cho bài viết đó. Rất nhiều cây viết mới không dám chia sẻ góc nhìn của mình. Họ cũng không biết làm sao để “mài dũa” góc nhìn của mình. Viết ra những suy nghĩ của mình về những điều quan sát được là cách tạo ra góc nhìn riêng của chính bạn. 

Thực ra, ai cũng có quan điểm, góc nhìn riêng cả. Chỉ là chúng ta không dám viết ra, không dám thể hiện. Chỉ có việc viết, thể hiện nó mỗi ngày, dần dần bạn sẽ cảm thấy mình cần nói ra những điều đó. Bạn sẽ cảm thấy đã đến lúc cần phải nói, cần được nói quan điểm của mình mà không còn sợ hãi nữa.

Bạn đã từng thử bắt đầu thói quen này chưa? Lợi ích của nó đối với bạn thế nào? Hãy chia sẻ với mình ở dưới bình luận nhé!

Còn nếu đây là lần đầu tiên bạn nghe đến cách làm này thì hãy chuẩn bị cho mình 1 cây viết, một cuốn sổ nhỏ và quan sát, suy ngẫm và ghi chép lại những gì đang diễn ra nhé.

Hoặc nếu bạn thực sự không biết mình cần phải bắt đầu như thế nào thì đây là gợi ý dành cho bạn. Bạn hãy trả lời các câu hỏi:

  1. Điều gì đang diễn ra
  2. Nó đang diễn ra như thế nào
  3. Vì sao bạn nhìn thấy điều này
  4. Cảm xúc của bạn lúc này là gì?
  5. Có điều gì xảy đến
  6. Điều đó có ý nghĩa gì?

Nếu bạn có câu hỏi nào dành cho mình về việc tạo thói quen quan sát, suy ngẫm và ghi chép, hãy chia sẻ với mình ở phần bình luận nhé!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *