Tôi nghĩ về bài viết này khi đang ngồi nhâm nhi miếng xoài chín ương trên bãi biển. Ngoài bờ cát là 3 cha con đang chơi với nhau, nghịch cát, giỡn sóng rồi cười khanh khách.
Dạo này, tôi lui về làm vai phụ trong gia đình của mình. Từ đầu tháng, cái chân bị bong gân, tôi không thể chạy xe máy, hạn chế đi lại nên chỉ loanh quanh cơm nước ở nhà. Vì vậy, mọi việc đưa đón con, chơi với con trước đó mà tôi vẫn phụ trách giờ ba bọn trẻ làm hết. Mỗi ngày anh chạy 4 phiên để đưa con đi học, đón con về. Ban ngày làm việc ở nhà, buổi tối tôi còn bận học thêm chứng chỉ bổ sung năng lực. Lâu nay tôi cứ lấy lí do bận con, chần chừ mãi, nay trường đại học gần nhà mở nên tôi đăng ký học luôn. Vậy là chân đau, bận học thành ra bao nhiêu việc chơi với con, hỗ trợ con tôi bàn giao hết cho chồng.
- Em đau chân, từ nay anh sắp xếp thời gian đưa con con đi học nhé
- Em bận học, anh chơi với con nhé
Tôi nói với chồng như vậy, anh nhẹ nhàng đồng ý. Kể từ đó, việc chơi, việc học, việc làm cùng con anh phụ trách chính. Ban đầu bon trẻ cũng chưa quen, chúng có việc gì cần cũng chạy đi tìm mẹ, chúng cứ hỏi về việc chân mẹ lành chưa để đưa con đi học. Nhưng sau nhiều lần mẹ không hỗ trợ được gì, con đi tìm ba. Và thành thói quen sau đó. Con tìm ba khi cần.

Từ khi sinh con đến bậy giờ, đã 7 năm, tôi vẫn quen với việc mình là làm hết những công việc trong gia đình. Bọn trẻ từ nhỏ đã bám mẹ, chúng ngủ, chơi học, hay ốm đều chỉ tìm mẹ, cần mẹ. Thậm chí, giai đoạn trước 4 tuổi chúng còn nhảy đành đạch khi đang ngủ mà biết ba mon men nằm cạnh hay ôm chúng. Thành ra luẩn quẩn bao nhiêu việc từ chăm con rồi cơm nước, việc nhà, vun vén sự nghiệp, tôi cứ thấy mình như chìm nghỉm. Cảm giác mệt mỏi, kiệt sức khiến tôi bực bội với chồng. Dường như mình gánh bao nhiêu việc mà không thể san sẻ được.
Ấy rồi đến khi tôi bị té, cái chân không đau nhiều nhưng không vận động nhiều được. Và buộc phải bàn giao lại những công việc “độc quyền” sang cho chồng.
Những ngày đầu, cảm giác cũng khó chịu, chưa quen. Nhưng đến giờ, tôi lại thấy thoải mái với vai trò Phụ của một người Phụ nữ trong nhà. Chồng vẫn làm mọi chuyện rất tốt, bọn trẻ đi chơi với ba vui hết sẩy. Tôi lờ mờ nhận ra. Oh, hóa ra lâu nay, hình như mình tự “giành” lấy những công việc đó như những công việc “độc quyền” rồi lại bực bội cáu bẳn vì cảm thấy không được chia sẻ.

Tại sao phụ nữ luôn ấm ức?
Tôi nhớ đến cuộc trò chuyện hồi đầu tháng 3 về chủ đề “Ước mơ của mẹ là gì?”. Trong buổi trò chuyện đó, những người mẹ đã chia sẻ về câu chuyện họ đã vươn lên như thế nào để thực hiện những ước mơ của mình. Họ đã chia sẻ về những khó khăn khi vừa đảm nhận vai trò làm mẹ, làm vợ và làm một người phụ nữ. Khi nghe nỗi lòng của những chia sẻ đó, Giáo sư Phan Văn Trường cũng đã chia sẻ với vai trò của một người chồng, người cha rằng: Bản thân thầy là một người chồng, người cha. Ngoài công việc bên ngoài, về nhà thầy sẵn sàng làm bất cứ công việc nào của gia đình. Từ việc rửa chén, quét nhà, nội trợ, đưa đón con đi học… “Nhưng thầy luôn thấy có một sự ấm ức rất lớn trong trái tim người phụ nữ mà thầy không hiểu được. Lúc nào phụ nữ cũng thấy ấm ức. Thầy thấy rằng, phụ nữ thời mới cần sự chuyển hóa. Thầy rất biết ơn phụ nữ nhưng trách phụ nữ 1 điều đó là đã không bao giờ thương thuyết với người đàn ông.”

Từ bỏ tâm lý nạn nhân
Cũng trong buổi trò chuyện ấy, Chuyên gia tâm lý Tạ Thị Thúy (Vườn Nắng) chia sẻ rằng:
Bản thân từng mang tâm lý nạn nhân, tâm lý hi sinh, rồi tự mình ghi nhận sự hi sinh ấy, tự mình cam chịu và chấp nhận để tất cả những điều ấy ảnh hưởng đến chính mình.
Nhưng sau đó cô nhận ra mọi thứ cảm xúc đau đớn, hạnh phúc đều đến từ bên trong mình. Không đến từ bên ngoài. Lúc ấy cô bắt đầu quay vào bên trong, tập trung làm cho mình hạnh phúc.
Giải pháp ở đây chính là giải thoát chính mình khỏi người khác. Khi mình đặt bản thân mình ra khỏi những mối quan hệ bên ngoài, lúc đó mới thấy được sức mạnh bên trong của mình.
Cô chia sẻ thêm lắng nghe chính mình để biết mình cần gì? Nghĩ về cái chết có thể đến. Nếu hôm nay là ngày cuối rồi thì mình sẽ làm gì?
Bản thân mỗi người sinh ra với sự tự do tuyệt đối của mình, cơ thể hoàn thiện, tâm hồn tự do tuyệt đối. Vậy tại sao lại đặt cuộc sống của mình trong tay chồng hay con hay bất cứ ai khác?
Thân thể tự do nhưng tâm trí lại ngồi tù. Chúng ta giới hạn chính mình. Việc của phụ nữ không phải là đáp ứng người khác. Trách nhiệm duy nhất của người phụ nữ trong cuộc đời mình là phải hạnh phúc.
Có lẽ tôi cũng đã viết cho tâm trí mình một vở kịch trong gia đình và tôi làm vai chính trong đó. Tôi xoay chuyển mọi thứ, sắp đặt mọi thứ, gồng gánh mọi thứ. Rồi kiệt sức và tự than vãn rằng, sao mình lại mệt mỏi và nhiều gánh nặng vậy? Chỉ đến khi, buộc phải nhường vai chính tôi mới nhận ra rằng, mình đã khoác cho chính mình chiếc áo không phù hợp. Vai diễn của tôi là vai phụ, phụ như cách mà xã hội đã gọi tên mình trước đó: PHỤ NỮ. Tôi chỉ nên là diễn viên chính trong cuộc đời của mình thôi. Còn lại hãy là Phụ trong gia đình.
Bài viết được đăng lần đầu tại Tạp chí Nông thôn Việt