tại sao con trở nên bướng bỉnh

Tại sao con lại trở nên ương bướng? (giải mã hành vi từ câu chuyện có thật )

Em thấy mình thất bại trong cách dạy con. Làm thế nào để giúp con bây giờ ạ. Con em 5 tuổi, thông minh, nhanh nhẹn, tình cảm. Em cũng rất tình cảm với con, luôn nói lời yêu thương, động viên, khích lệ con. Nhưng từ lúc 4 tuổi, con biết phản biện, biết điều khiển tivi, chơi game trên điện thoại thì con gần như bị tăng động. Em cho con đi khám ở bệnh viện nhi trung ương rồi. Bác sĩ kết luận con bình thường, nhưng con có các dấu hiệu sau, hành vi ngày 1 tăng:

  • Cãi lời, nhại lời người lớn
  • Nói, hát liên hồi
  • Hét to, la lên gây chú ý
  • Có xu hướng bạo lực, đánh các bạn, chống đối nếu mẹ đánh
  • Nghiện xem tivi và điện thoại hơn, các chương trình gần đây con xem là game và review game
  • Các hành động liên tục, không có chủ đích, không giống bình thường
  • Về học, bản chất con vẫn rất thông minh, nhưng không nghe giảng, luôn làm trước theo ý mình
  • Rất háo thắng, không chịu thua, nếu thua khóc lóc và tức giận

Trước đây e luôn đồng hành cùng con, từ chơi cho đến học, có thể là sát sao hết mức. Em luôn đưa con ra ngoài chơi nhiều nhất có thể. Gần đây có em bé, con ít được ra ngoài, xem tivi điện thoại nhiều hơn, không nghe lời

Nhìn con e cảm thấy rất thương, bất lực và tự trách. Từ 1 cậu bé thông minh nhanh nhẹn mà giờ đây …Em không muốn con càng ngày càng xa rời mình

Về phía mẹ, mẹ cũng có 1 số điểm không tốt như hay cãi, tức giận nếu người trong gia đình không theo ý mình. Có đánh con, tần suất ít, nhưng thường không kiềm chế vả vào mặt con. Lúc con không nghe lời thì hay nói lời độc hại: cho nó chết đi, cho nó bị bệnh đi, cho nó mù mắt đi… Mẹ vẫn nhận thức được và hạn chế, có xin lỗi con và giảng giải sau đó. Nhưng con gần như bị ảnh hưởng từ mẹ khá nhiều.

Giờ e không biết phải làm gì, ngoài việc phổi hợp với bà bố để giảm tivi điện thoại và điều chỉnh lại hành vi cho con

Ảnh con vẽ, thường vẽ siêu nhân, quái vật, sau đó di đi di lại và thành ra thế này

Lê Hải Tại sao con trở nên ương bướng
Hình vẽ của con (hình ảnh được mẹ chia sẻ trong cộng đồng)

Đó là nguyên văn tâm sự của một bà mẹ ẩn danh trong cộng đồng Dạy con hạnh phúc. Đọc những gì mà người mẹ ấy chia sẻ, xem bức tranh mình cảm thấy được tất cả những bức bí, ngột ngạt trong lòng của đứa trẻ 5 tuổi ấy. Cảm giác thật đau lòng!

Dường như em bé trong câu chuyện đang trải qua những cú sốc trong hành trình trưởng thành đầy non nớt của mình. Những ngày này là những ngày quá khó khăn của con. Khoan nói về những sai lầm, mình muốn phân tích những thay đổi của con và nguyên nhân có thể dẫn đến một loạt hành vi này.

Thế giới tràn đầy tình yêu thương

Trước 4 tuổi, con là một em bé được nuôi dưỡng với toàn bộ sự chú ý. Theo như mẹ kể, em bé được nuôi dưỡng và có sự đồng hành, yêu thương từ mẹ. Đây là một sự kết nối tuyệt vời khiến trẻ có được cảm giác rằng thế giới của con đầy đủ về tình yêu, sự an toàn. Từ đó trẻ bộc lộ trí thông minh, ý kiến, cảm xúc. Đó là lí do mà mẹ thấy rằng con “thông minh, nhanh nhẹn, tình cảm”

Tại sao con không được làm theo ý mình?

Bốn tuổi là lúc con bắt đầu có sự phản biện, con muốn thể hiện mạnh mẽ quan điểm của mình. Con muốn thử nghiệm, muốn làm theo ý mình. Con bắt đầu thấy mong muốn của mình không được đáp ứng, bị ngăn cản, con bắt đầu biết cãi lại, làm trái ý bố mẹ.

Lúc này, gia đình, mẹ có những phản ứng tiêu cực như mắng, đánh, nguyền rủa, mạt sát. Đây là cú sốc đầu tiên của trẻ.

Giai đoạn con bắt đầu phản biện, điều quan trọng là cha mẹ phải cổ vũ tinh thần phản biện ấy. Và quan trọng hơn là hướng dẫn con phản biện 1 cách tích cực. Bằng cách ghi nhận những ý kiến phù hợp, đề xuất phương án thay thế với những ý kiến không phù hợp của trẻ.

Trẻ cần được hướng dẫn để phản biện một cách tích cực
Trẻ cần được hướng dẫn để phản biện một cách tích cực

Những phản ứng tiêu cực của gia đình như phủ nhận hoàn toàn, mắng, đánh, mạt sát khiến trẻ sốc khi ý kiến của mình không được chấp nhận. Những đứa trẻ thông minh sẽ nhận ra quyền lợi của mình đang bị tấn công. Vì thế trẻ sẽ phản ứng ngược lại. Và trẻ bắt chước hành vi phản ứng của người nhà như mắng, chửi, thể hiện thái độ gay gắt, đánh trả.

Trẻ sẽ hình thái thái độ bất mãn và tích lũy thái độ này dần theo thời gian như 1 quả bóng. Nếu không có hướng giải quyết phù hợp sẽ gây nên hậu quả cực kì nghiêm trọng trong tâm lý, nhân cách của trẻ. Trong câu chuyện trên, rõ ràng trẻ đã hình thành thái độ thù địch với các thành viên trong gia đình. Lúc này, những cách giục thông thường như khuyên nhủ, răn dạy của cha mẹ không có hiệu quả.

Mọi người không còn yêu con nữa!

Đó là cảm nhận của trẻ khi Mẹ sinh em bé. Mẹ sinh em đồng nghĩa với việc mẹ có 1 người yêu mới. Lúc này trẻ không còn nhận được sự quan tâm 100% của mẹ như thời gian trước. Cả gia đình có thể sẽ tập trung chăm sóc cho em. Với trẻ đó là cú sốc lần 2.

Thêm vào đó là thái độ tiêu cực mà cả gia đình dành cho bé. Nó giống như một sự tấn công, tẩy chay mạnh mẽ của những người mà bé đã từng rất yêu thương và tin tưởng.

Bé sẽ có một cảm giác “mất sạch”: Mất tình yêu – Mất niềm tin – Mất chỗ dựa – Mất những đặc quyền – Mất kết nối…

Tổn thương khi mẹ sinh em bé - lê hải
Khi mẹ sinh em bé, trẻ cần nhiều thời gian, cảm nhận đủ tình yêu để đón nhận em

Và tệ hơn nữa là cảm giác: Mình tồi tệ, tồi tệ như cách mọi người đã nói: cho nó chết đi, cho nó bị bệnh đi, cho nó mù mắt đi…

Với một người lớn, những đả kích như vậy có thể khiến người ta có thể ra những quyết định tự làm hại chính mình. Với trẻ, điều này có thể sẽ tích lũy dần, đến một mức độ nào đó, trẻ không chịu đựng được hoặc trẻ nhìn thấy ở đâu đó, có thể trẻ sẽ làm theo. Hậu quả lúc đó sẽ rất đau lòng.

Trẻ học cách cư xử từ trong gia đình

Trẻ em như tờ giấy trắng. Những gì trẻ hành xử, nói năng phản ánh tất cả những gì trẻ tiếp thu được. Trẻ được giáo dục nhẹ nhàng, yêu thương, bao dung trẻ sẽ đối xử với người khác như vậy. Ngược lại, trẻ được giáo dục bằng bạo lực thì trẻ cũng sẽ phản ứng lại bằng bạo lực.

“Nguồn gốc của kỷ luật tốt là lớn lên trong một gia đình tràn đầy yêu thương, được yêu và học cách yêu người khác” Benjamin Spock

Trẻ hoc cách cư xử từ trong gia đình
Trẻ học cách cư xử từ gia đình

Giới hạn của con là gì?

Người mẹ nói rằng yêu con và dạy con sát sao nhưng mình tin, họ đã bỏ qua 1 phần quan trọng trong giáo dục trẻ, đó là thiết lập giới hạn cho con. Điều này không chỉ 1 mà rất nhiều gia đình không làm được.

Đến khi con 4,5 tuổi, bắt đầu có sự phản biện, con ý thức được quyền của mình lúc đó mới cuống cuồng hỏi cách xử lý.

Những giới hạn đơn giản nhưng có sức mạnh to lớn trong việc xây dựng hành vi và kỷ luật cho trẻ khi trưởng thành như:

🌱Trong 1 ngày, con được xem tivi vào lúc nào, xem trong bao lâu. 1 Tuần con được xem mấy ngày, lịch cụ thể. Quy định rõ ràng và thực hiện nhất quán con sẽ biết, mình được phép xem ti vi trong thời gian dó, ngoài thời gian đó không được xem. Trẻ sẽ không khóc lóc, mè nheo.

🌱Không được ăn bánh kẹo, sữa sau 10h30, 16h30. Con có thể ăn thoải mái trước đó, nhưng thời điểm quy định thì nhất thiết không được ăn

🌱8h30 hoặc 9h là thời gian lên giường đọc sách

🌱Điện thoại, máy tính là công cụ làm việc của bố mẹ, không phải đồ chơi của con (Cha mẹ cũng cần tuân thủ dùng nó để làm việc chứ không phải dùng để lướt video giải trí trước mặt con)….

Không có đứa trẻ nào muốn làm trẻ hư trong mắt gia đình. Trẻ vẫn đang học hỏi và hoàn thiện mỗi ngày. Trách nhiệm của cha mẹ, gia đình là nuôi dưỡng để trẻ phát triển toàn diện. Vì vậy, không dán nhãn trẻ dưới mọi hình thức.

Góc nhìn của bạn về câu chuyện trên như thế nào? Bạn có gặp tình huống nào tương tự ko? Chia sẻ cùng mình ở dưới bình luận nhé

Các bà mẹ khác đã tìm thấy phương pháp để cùng con đi qua những ngày tháng trưởng thành 1 cách bình an trong cuốn “Từ kiên cường đến hạnh phúc“. Nếu bạn đang loay hoay thì hãy tặng mình quyển nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *