Giáo dục giới tính: Chuyện khó nói của ba mẹ & chìa khóa để trẻ bước vào cánh cổng kiến thức

Bạn có đọc câu chuyện bé gái 14 tuổi sinh con trong nhà vệ sinh được nhắc đến gần đây không? Khi hỏi đến chuyện giáo dục giới tính cho con thì anh, chị hay bạn bè mình đều khá lo lắng vì không biết phải nói với con như thế nào. Nói đến giới tính, con nhạy cảm, ngại ngùng, lảng tránh. Hoặc bố mẹ không có thái độ chưa đúng với chuyện này. Khi con hỏi thì bị nạt nộ hoặc lảng đi. Giáo dục giới tính cho trẻ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Làm thế nào để giáo dục giới tính trong gia đình, nhà trường một cách gần gũi hơn? Mách nhỏ bạn một số cách để có thể nói chuyện giáo dục giới tính với con dễ dàng hơn.

Đối diện với những câu hỏi hay tình huống giới tính bằng cách nào?

Hôm trước, ở công viên mình bắt gặp 2 vợ chồng trẻ nọ đang giằng co với con. Thằng bé tầm 4 tuổi đang đi bỗng tự nhiên tụt quần cười. Mẹ thấy vậy vội vàng  kéo mạnh cái quần con đang tụt lên kèm theo thái độ giận dữ. Bố cũng trừng mắt lên quát. Thằng bé tỏ vẻ không sợ, đi được một lúc nó lại tụt quần xuống và đứng cười tinh quái. Hai vợ chồng lại phản ứng mạnh mẽ hơn. Việc trẻ cởi đồ ở nơi công cộng là không phù hợp. Nhưng cách phản ứng này của bố mẹ vô tình kích thích thêm sự tò mò. Thái độ đó có thể trẻ sẽ thấy cách làm của mình có hiệu quả để chú ý. Những tình huống như thế có thể diễn ra ở mọi nơi. Có thể ở công viên, đi siêu thị, ở nhà …những câu hỏi hoặc tình huống liên quan sẽ xảy ra. Thái độ đúng khi chúng ta trò chuyện với con là như thế nào?

  • Đối mặt với những câu hỏi hay những tình huống liên quan đến giới tính đầu tiên chúng ta cần giữ sự bình thản. Đừng cười cợt, trêu đùa dù câu hỏi hay vấn đề có ngây ngô đi chăng nữa. Hay bạn cũng đừng làm câu chuyện quá nghiêm túc.
  • Cần trả lời trung thực, bạn hoàn toàn có thể dạy con về tên gọi đúng của các bộ phận sinh dục. Điều đó có thể giúp bạn bảo vệ con trong những tình huống không hay. Có một bài học mà tôi đọc được cách đây không lâu. Bé gái 5 tuổi về nhà liên tục kêu đau bụng. Bố mẹ chở đến bác sĩ khám và phát hiện bé bị lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, bố mẹ dạy bé gọi tên bộ phận sinh dục mình là bụng nên bé đã không nói chính xác tình trạng của mình với người khác.
  • Đừng tỏ ra xấu hổ hay quá nghiêm túc khi nói chuyện với con
  • Đừng cố đánh lạc hướng, hãy trả lời cho đến khi con không muốn biết thêm nữa.
  • Quan sát các phản ứng của con. Nếu bạn không thoải mái khi trả lời các câu hỏi hãy nhờ sự trợ giúp của người thân, bác sĩ hoặc sách vở.
Giáo dục giới tính cho trẻ chưa bao giờ là việc dễ dàng

Chuyện giới tính nếu bạn thấy khó nói thẳng thắn hãy mượn thông điệp từ những cuốn sách.

Những câu chuyện luôn cuốn hút người đối diện. Những câu chuyện chứa thông điệp sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tích cực hơn là những lời răn đe, giáo huấn.

Trò chuyện với con, bạn có thể mở đầu bằng cách kể những câu chuyện liên quan đến chủ đề giới tính mà bạn muốn nói. Hoặc tùy theo từng độ tuổi, bạn có thể mua cho con những cuốn sách đọc cùng con hay nhẹ nhàng để trên bàn của con cho con tự đọc.

Các nhà tâm lý học khuyên rằng, nên nói chuyện về giới tính với con ngay từ khi con 3,4 tuổi. Thời điểm đó con đã có những sự tò mò về cơ thể của mình và người khác. Bài viết này, xin giới thiệu với các bạn một số đầu sách giáo dục giới tính theo độ tuổi.

Sách cho trẻ từ 3 – 7 tuổi: Bạn có thể tham khảo bộ truyện giáo dục giới tính cho trẻ gồm 4 cuốn: Tại sao con là con trai; Tại sao con là con gái; Con sinh ra từ đâu; Con là con của bố mẹ.

Bộ truyện được thiết kế với hình ảnh sống động nhiều màu sắc, hình ảnh đáng yêu. Xuất bản bởi Đông Á Books và NXB Dân Trí . Hoặc bộ sách gồm 7 cuốn An toàn cho con yêu do Nhã Nam cùng Hội Nhà Văn phát hành.

Sách cho trẻ từ 8 – 13 tuổi: Lứa tuổi này, cần trang bị cho con kiến thức sinh lý cũng như chuẩn bị tâm lý cho con để bước vào giai đoạn dậy thì. Bạn có thể tìm 2 bộ sách:

  • Bí mật con trai & Bí mật con gái (NXB Phụ Nữ, 2015)
  • Cẩm nang con trai & Cẩm nang con gái (NXB Tổng Hợp TP HCM phát hành)

Từ 14 tuổi trở lên, giai đoạn này trẻ bước vào độ tuổi dậy thì. Có thể con có những rung cảm đầu tiên với bạn khác giới. Con cũng có những xáo trộn về mặt tâm lý, những hoang mang, lo lắng khác. Vì vậy, những cuốn sách để con đọc vị bản thân sẽ giúp giải tỏa những lo lắng và con tự tin hơn. Bạn có thể tặng con cuốn

  •  Chuyện dễ đùa khó nói: Cẩm nang con trai & con gái về tình dục và giới tính. (First News và NXB Phụ Nữ)
  •  Bộ: Cẩm nang con trai tuổi dậy thì (NXB Kim Đồng)

Quyển 1: Sổ tay kiến thức sinh lý 

Quyển 2: Những khúc mắc tâm lý

  • Cẩm nang bé gái tuổi dậy thì (NXB Kim Đồng)

Quyển 1: 160 câu hỏi – đáp về sinh lý bạn gái tuổi dậy thì

Quyền 2: Tất tần tật khúc mắc đều có lời giải

  • 30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại (NXB Đinh Tỵ)

Có thể nói, tủ sách về chủ đề giáo dục giới tính cho trẻ đang rất phong phú. Đặc biệt là tủ sách dành cho độ tuổi tiền dậy thì và dậy thì. Bạn dễ dàng tìm được nhiều đầu sách thú vị cho những cô bé và cậu bé của mình ở các nhà sách. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải bạn nhỏ nào cũng chịu đọc sách. Vậy, nếu tặng cho con sách nhưng thấy nó vẫn yên vị một chỗ trên giá từ tháng này qua tháng khác, thì có lẽ phương án sau sẽ có hiệu quả hơn.

Những bộ phim về giới tính là lựa chọn của nhiều phụ huynh

Không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được vấn đề bằng cách đọc sách. Điều đó bình thường và cũng dễ hiểu. Nếu con bạn như thế bạn có thể giới thiệu cho con những bộ phim về chủ đề giới tính. Những bộ phim sau sẽ giúp con bạn tiếp nhận những thông tin giới tính gần gũi, dễ dàng hơn.

  • Phim hoạt hình: Nếu con bạn đang ở độ tuổi 5 -10 tuổi thì seri 10 số phim Giáo dục giới tính cho trẻ là lựa chọn tốt. Seri phát trên kênh VTV7 từ năm 2018 -2019 . Seri phim được lồng ghép câu chuyện, tình huống sinh động, hấp dẫn, phù hợp thực tế. Trẻ sẽ học được cách xử lýcác tình huống giới tính qua những câu chuyện đó.
  • Phim truyền hình: Hàng loạt bộ phim về chủ đề giới tính tuổi dậy thì của Mỹ và các nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan phát sóng trên Netflix. Tuy nhiên được đánh giá cao hiệu ứng lan tỏa thì có 2 bộ phim nổi tiếng
  1. Sex Education (Giáo dục giới tính) – Bộ phim được truyền hình Mỹ phát năm 2019. The Guardian nhận xét “Đây là một bộ phim trọn vẹn và hài hước, hài hước một cách tự nhiên. Có thể khiến bạn bất ngờ, bật cười thoải mái”. Cả nhà có thể cùng xem bộ phim này cùng nhau và thảo luận về những câu chuyện trong đó. Theo thống kê của Netflix thì Sex Education lọt top cao trong 10 bộ phim được xem nhiều nhất tại Anh năm 2019. 
  2. Juno (Dính bầu) – bộ phim dành giải Oscar năm 2007. Bộ phim ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ và hành động của nhiều cô gái trẻ. Chính phủ Mỹ cũng công bố tỷ lệ phá thai của trẻ em từ 14 -18 tuổi hạ xuống mức thấp nhất sau khi bộ phim được công chiếu. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể giới thiệu con xem những bộ phim như 14 Sai no Haha (Người mẹ tuổi 14), Love, Rosie (Bồng bột tuổi dậy thì)…

 Thể hiện ý kiến cá nhân.

Sai lầm của đa số bố mẹ là muốn con vâng lời từ nhỏ. Trẻ con luôn phải làm theo mọi sự sắp đặt của người lớn mà ít có cơ hội lựa chọn, thể hiện ý kiến của mình. Điều đó, có thể khiến quá trình nuôi con có vẻ dễ dàng hơn, nhưng sẽ có những hậu quả mà bạn không nghĩ đến. Những đứa trẻ nghe lời dễ trở thành “cừu” non nớt, thiếu chính kiến và ngại phải nói ra quan điểm của mình, ngại từ chối một cách mạnh mẽ. Tư duy phản biện không xuất hiện khi trưởng thành mà hình thành suốt thời thơ ấu của trẻ.

Bởi vậy, hình thành cho con tư duy phản biện ngay từ nhỏ là một trong những điều quan trọng mà bố mẹ cần nghiêm túc quan tâm. Để làm được điều đó, bạn cần học cách tôn trọng cảm xúc cảm, lựa chọn của con. Và đừng áp đặt cảm xúc hay suy nghĩ của mình lên mọi hành động của trẻ. Chấp nhận sai lầm của con là điều mà ít bố mẹ làm được.

Khi bạn chấp nhận việc con xúc đồ ăn, gấp áo quần hay quét nhà không sạch cũng là khi con có được những cảm xúc tự hào đầu tiên về “chính kiến”. Điều đó góp phần không nhỏ đến việc con tự tin đưa ra quyết định của mình để xử lý những tình huống trong cuộc sống.

Trong những cuộc trò chuyện với con, hãy cho con thể hiện quan điểm của mình bằng những câu hỏi mở. “Nếu là con, con sẽ xử lý như thế nào?” “Theo con, bạn ấy đang cảm thấy như thế nào?”… Và dù câu trả lời của con có chính xác hay không, bạn hãy công nhận và tôn trọng suy nghĩ của trẻ. 

Bạn cũng có thể giúp con rèn luyện tư duy phản biện bằng cách cho con tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Con có thể được tự chuẩn bị đồ ăn trưa cho mình. Con có thể sử dụng tiền tiết kiệm của mình mua đồ hay cắt những kiểu tóc mà con thích. Hoặc con giặt áo quần của mình. Con có thể mắc những sai lầm khi mới bắt đầu làm điều đó, bữa trưa không ngon, không có đồ thể dục mặc đến trường vì quên giặt… Nhưng điều đó khiến con có kinh nghiệm để tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Điều đó giúp con tự bảo vệ được mình trước những sai lầm không đáng có của cuộc sống.

Ngại ngùng khi đề cập đến câu chuyện giới tính tế nhị là rào cản của nhiều phụ huynh. Rào cản đó ngăn họ không chạm được cánh cửa bước vào tâm hồn của con. Đừng để con lên tiếng mới giúp đỡ. Hãy hành động ngay hôm nay, khi con bạn lén lút cười khúc khích sờ vào bộ phận sinh dục của chính mình.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *