Làm sao để có thể viết được những đề tài mới trong khi mình không thuộc team hóng hớt?
Một bạn trong chương trình đồng hành “viết bài báo đầu tiên” của mình mình đã hỏi vậy. Thực ra, mình cũng đã tự hỏi câu hỏi tương tự hơn 10 năm trước. Mình là đứa hướng nội, mình không thích trend và cũng không thích bám sự kiện. Đó là lý do mà dù thích nhưng mình không dám viết báo hơn 10 năm.
Cho đến những năm gần đây, khi tập trung viết về giáo dục trẻ, kỹ năng làm cha mẹ, mình có sự nghiên cứu sâu sắc, những cuộc trò chuyện với độc giả mình mới mạnh dạn viết báo. Những bài báo mình viết không xoay quanh các sự kiện, tin tức nhưng lại đậm tính thời sự. Nó phản ánh những vấn đề “bề nổi lẫn bề chìm” trong hành trình giáo dục, chăm sóc con cái của cha mẹ ở thời điểm hiện tại.
Và mình tìm được câu trả lời quan trọng cho chính bản thân thời điểm ấy: Không cần bám sự kiện, không cần là điều gì đó mới, chưa từng đề cập đến, mình vẫn có thể viết những bài báo có giá trị. Để làm được điều đó, mình cần flow theo ngách. Flow theo ngách nghĩa là chúng ta nghiên cứu, viết lách, trò chuyện, nghiền ngẫm, quan sát về một chủ đề/ngách trong một thời gian dài, có thể 1,2 năm hoặc lâu hơn.
Càng ở trong ngách đó càng lâu chúng ta càng có cơ hội quan sát, phát hiện ra những điều thú vị và thực sự “đắt đỏ” để chia sẻ. Đó cũng là cơ hội để chúng ta nhận ra “bề nổi lẫn bề chìm” của các vấn đề xoay quanh chủ đề đó. Đó chính là yếu tố “thời sự” mà bạn có thể mang đến trong các bài viết của mình.
Những bài viết của mình về chủ đề giáo dục/kỹ năng làm cha mẹ đăng ở tòa soạn hay cho khách hàng đều nhận được phản hồi là “chủ đề bài viết đúng thị hiếu của người đọc”. Hoặc Biên tập viên của NXB nơi mình gửi bản thảo đầu tiên đã phản hồi lại sau khi mình gửi proposal book rằng, chủ đề mình viết là chủ đề mà họ đang nghiên cứu để khai thác.
Mình đã từng ngạc nhiên vì dường như mình đã khá dễ dàng trong việc nhận diện ra các vấn đề trong ngách giáo dục/làm cha mẹ. Cho đến thời điểm gần đây, khi đọc về khái niệm Business Sense trong một bản tin của Ngọc Võ (chuyên gia nghiên cứu thị trường) và khái niệm Marketing Sense mình mới nhận ra rằng, mọi thứ không đến một cách tự nhiên và vô tình.
Mình có được sự nhạy bén đó là bởi đã trải qua hơn 1 thập kỷ hoạt động trong ngành giáo dục với những vai trò khác nhau. Hành trình đó cho mình cái nhìn đa dạng ở các góc độ khác nhau. Hành trình đó tạo nên Marketing Sense – “khả năng đồng cảm, cảm nhận sâu sắc với khách hàng/ độc giả. Điều đó đồng nghĩa với năng lực thấu hiểu về cảm nhận và tâm lý, có khả năng tiên đoán được hành vi & phản ứng của họ trước một điều gì đó. Đồng thời nhạy bén với nhu cầu chưa được thỏa mãn của độc giả và khả năng thiết kế chiến lược để thỏa mãn nhu cầu đó”- Theo Brands VietNam
Đó là lý do khiến mình không quá khó khăn để tìm kiếm vấn đề trong viết báo chí hay đưa ra Big idea khi viết hoặc tư vấn các chiến dịch truyền thông cho các trường. Quay trở lại với nỗi sợ, không “hóng hớt theo trend” làm sao có thể viết được những bài báo đậm chất thời sự? Đọc đến đây hẳn bạn đã có câu trả lời cho mình rồi đúng không! Đó là hãy thật sự “sống” với chủ đề/ngách mà bạn đang theo đuổi. Bạn sẽ nhận ra đâu là điều đáng phải viết, nhất định phải viết.