Không ai nói rằng làm mẹ là một hành trình đau đớn
Hôm nay, tôi vừa đưa em mình bước vào phòng sinh. Một người nữa sẽ bước vào hành trình trình làm mẹ. Hành trình làm mẹ của những người phụ nữ bắt đầu bằng những nỗi đau và sự sợ hãi. Đằng sau cánh cửa phòng sinh đó, nỗi đau, nỗi sợ hãi của người phụ nữ kéo dài nhiều hay ít, kết thúc sớm hay muộn không ai biết.
Trên tường bệnh viện, poster người mẹ trẻ bế đứa con vào lòng cho bú thật ngọt ngào và hạnh phúc. Ai cũng gắn hành trình làm mẹ là một thiên chức hạnh phúc và thiêng liêng. Không ai nói với người phụ nữ rằng, hành trình làm mẹ là một hành trình đau đớn. Nỗi đau đó bắt đầu từ những cơn đau chuyển dạ. Hoặc thậm chí trước đó, khi đứa bé vẫn còn trong bụng mẹ.
Em tôi bước vào phòng sinh với khuôn mặt nhăn nhúm vì đau, đôi một hồng hào ngày nào tím thẫm, nứt nẻ, khô khốc. Em bé chào đời cả gia đình quây quần. Cái khoảnh khắc nhìn thấy sinh linh bé bỏng cất tiếng khóc chào đời, có lẽ lúc đó em cũng quên mất mình đã đau đớn đến mức nào.
Khoảnh khắc đón đứa con của mình quý giá như thế. Nhưng không ít những người mẹ đã chọn rời xa thế giới này cùng con. Em tôi kể, đứa bạn của em vừa ôm đứa con hơn 1 tuổi tự tử mấy hôm trước. Gia đình và bạn bè không ai có thể tin vào điều đó. Em vẫn là người lạc quan, gia đình có điều kiện, đang là giáo viên. Không ai biết em đã trải qua những điều gì. Nhiều người oán trách, nhiều người xót xa. Nhiều người không thể hiểu nổi tại sao những người làm mẹ lại làm điều kinh khủng đó. Nhiều người không thể hiểu nổi những đau đớn tinh thần của những người làm mẹ.
Ai cũng nói với người phụ nữ rằng, làm mẹ là một hành trình hạnh phúc. Không ai nói với họ rằng, hành trình đó thật nhiều chông gai, nhiều những kỳ vọng, thất vọng và tủi hờn. Những nỗi đau đến từ sự giằng xé giữa trách nhiệm làm mẹ và nhu cầu được sống với chính mình. Nỗi đau đến từ việc thấy mình làm mẹ thật tồi. Nỗi đau đó đến từ những đêm ngày cô đơn triền miên…
Nhưng nếu được chọn lựa một lần nữa, tôi vẫn chọn được làm mẹ
Trong một lần chới với, tôi đã tự hỏi lòng mình rằng: “Nếu được chọn một lần nữa, mình có chọn để làm mẹ không?” Và câu trả lời của tôi là: “Có”. Tôi vẫn sẽ chọn làm mẹ những đứa trẻ của mình. Và có thể, nhiều bà mẹ khác, khi được hỏi câu tương tự, họ cũng sẽ trả lời như tôi. Bởi, ươm mầm một sinh linh là điều thật kỳ diệu của người phụ nữ.
Tôi nhớ, trong hồi ký của mình, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu – Cựu giảng viên đại học RMIT (Úc), đồng thời là người sáng lập Đại học RMIT Việt Nam đã viết về nỗi nhớ người mẹ quá cố của mình: “Mạ ơi, không biết ở xứ sở này, còn có ai mong con không, còn ai chờ đợi ông già 85 tuổi này trở về?” Ký ức về những đêm hè oi ả, mẹ ngồi nhai trầu và quạt cho ông ngủ là một phần đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mà ông vẫn nhắc đến một cách tha thiết. Đó phải chăng cũng là lý do khiến ông đau đáu về nền giáo dục của Việt Nam. “Giúp đỡ những đứa trẻ nghèo khó được học hành cũng là giúp đỡ con người tôi thuở trước”.
Vậy nên những thập kỷ cuối của cuộc đời mình, Giáo sư chọn trở về Việt Nam lập nên Trung tâm nông thôn đầu tiên: Est Pleiku – trung tâm hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề cho người địa phương. Trong một lần trò chuyện với tôi, Giáo sư đã tâm sự rằng những đứa trẻ nghèo khó thật thiệt thòi: “Thầy mong muốn chúng có đủ điều kiện để học tập và phát triển”.
Hay thầy Lê Đình Hiếu, người đã từ chối cơ hội làm việc cho những tập đoàn lớn ở Mỹ để trở về nước. Anh sáng lập nên trường cho các em khiếm thính ở Việt Nam. Mười năm qua, trường khiếm thính của thầy Hiếu đã dìu dắt hàng nghìn trẻ em kém may mắn. Hành động đó của thầy Lê Đình Hiếu xuất phát từ ước mơ: “Muốn được làm điều gì đó cho những người như mẹ của mình – những người khiếm thính”. Chính những ngày ngọt ngào bên cạnh mẹ, tình yêu, sự dịu dàng của mẹ đã thổi vào trái tim của người thầy giáo trẻ ngọn lửa của lòng nhân ái. Và anh đem ngọn lửa đó thắp vào trái tim của những đứa trẻ kém may mắn mà mình gặp.
Người mẹ nghèo ở vùng đất miền Trung của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu chắc chẳng thể nào hình dung được rằng, cậu con trai bé nhỏ của mình lại đã ghi những dấu ấn kỳ diệu cho giáo dục như thế. Hay, trong căn gác ở Sài Gòn, những ngày tập từng phím đàn cho con, mẹ của thầy Lê Đình Hiếu sẽ chẳng hình dung ra được, con trai của mình là Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh của những trường đại học lừng lẫy ở Mỹ và mang lại ánh sáng cho hàng trăm những đứa trẻ kém may mắn trong cuộc đời.
Và những người mẹ khác nữa, chúng ta cũng sẽ khó có thể hình dung được rằng, đứa con bé bỏng, nhút nhát hay khóc nhè của mình ngày nào đó có thể làm nên điều gì cả. Có thể, ngày nào đó đủ lớn, những đứa trẻ bé bỏng của mình cũng sẽ bước đi và viết nên những điều đẹp đẽ của cuộc đời như thế. Vậy nên nỗi đau của người làm mẹ hôm nay, cũng xứng đáng lắm phải không? Nếu được chọn lựa lại một lần nữa, tôi vẫn chọn hành trình làm mẹ đầy chông gai, đau đớn mà cũng nhiều hạnh phúc ấy. Bạn thì sao?