Gửi người con thương

“Cha à, con Hải đây!”

Con vẫn bắt đầu như thế mỗi khi gọi cho cha. Nhưng không được mấy lần cha có thể bắt máy. Con phải gọi và nhấn mạnh như vậy, bởi con sợ cha nghe điện thoại tiếng được tiếng mất không biết đang nói chuyện với đứa nào. Và cũng bởi con muốn trong một chút nhập nhoạng nào đó, cha sẽ nhớ được rằng, có con Hải gọi cho mình. Cha sẽ vui.

Khi con viết những dòng này, cha đang làm đồ ăn trưa cho đàn gà ở ngoài vườn. Nhìn cái dáng cha làm lặng lẽ con lại thương. Con chưa từng nói con thương cha, và cũng lâu, lâu lắm rồi kể từ khi con trưởng thành con không chạm vào tay cha. 

Trong gia đình, con có lẽ là đứa hạnh phúc nhất khi tuổi thơ con có cha ở bên cạnh. Chiếc váy đầu tiên của con là cha chở con đi may. Con vẫn nhớ như in chiếc váy caro đỏ – niềm tự hào của con, mềm mại và nhẹ nhàng cha đặt người may cho con trong dịp 2/9

Con có lẽ là đứa hạnh phúc nhất nhà vì luôn được cha đưa đón. Hồi bé, con gầy tong, ngồi túm lấy áo cha trên chiếc xe đạp màu xanh lam. Mỗi lần cha nhận lương lại chở con tạt vào quán tạp hóa mua vài trăm đồng tiền quà bánh, con là đứa duy nhất trong nhà hưởng đặc ân đó.

 Cha chở con đi về như thế suốt những năm tiểu học và trung học. Những ngày mưa, con nép sát đầu vào lưng cha trong tấm áo mưa để không bị tạt và hít mùi mồ hôi của cha.

Cha vẫn chở con đi như thế trong suốt quãng đời thơ ấú và cả sau này khi con lớn. Những ngày con nước về, dòng sông Kiến Giang cuộn sóng, nước dâng ngập đường con đi học. Cha thấp thỏm không biết con có về được không, cha lại đạp xe, băng nước ngược đường con đi học. Khi thấy con áo dài buộc lên cao, rướn người đạp xe trên con đường đầy nước cha lại quay xe về cùng con.

Và mãi khi con vào thành phố học đại học, mỗi lần về quê cha lại đưa đón con bằng chiếc xe đạp ấy. Nghĩ về cha con lại chẳng bao giờ quên được cái dáng cha gầy gầy, lưng cong cong đạp chiếc xe màu xanh nhạt. Đó là những chuyến đi đón con ở trường, là những chuyến đi vội vã của cha đến nhà của ai đó đang bệnh trong đêm hoặc trong những ngày mưa, nắng nào đó. 

gửi người con thương

Cha không thích nói lớn tiếng và cũng thích sống lặng lẽ. 18 năm ở cạnh cha là chừng đó năm con chứng kiến cha lặng lẽ giúp người khác. Không cần cảm ơn và cũng không nhận tiền của ai cả. Điều đó khiến những người nghèo ở quê mình cảm kích và biết ơn. Nhưng lại khiến cho mối quan hệ của mẹ và cha không tốt. Mẹ bươn bả nuôi 5 anh em ăn học còn cha lại trích tiền lương của mình để mua thuốc chữa bệnh cho người khác. Mẹ hiểu lòng tốt của cha, nhưng gánh nặng kinh tế khiến mẹ chẳng khi nào vui vẻ với điều đó. Hơn 30 năm, kể từ ngày con chào đời, cha vẫn sống và làm việc như thế.

Con đôi khi vẫn giận cha vì cha vẫn luôn nói lời khó nghe với mẹ hoặc nghiêm khắc với anh em con, nhưng từ sâu thẳm, con tự hào về cha. Con vẫn thường kể với người khác rằng, cha của con nhân hậu, rộng lượng và con là đứa được cha yêu thương, tự hào nhất.

Niềm tự hào đó của cha thể hiện rõ ràng hơn khi con làm cô giáo. Cha vẫn luôn kể với mọi người về điều đó. Mỗi dịp tết hay nghỉ hè, con về quê, cha lại cười khi ái đó thấy con và hỏi: “Con bé út nhà ông bữa nay làm gì rồi?” Cha lại cười và bảo: “Nó làm cô giáo, tôi dạy nó từng chữ một đấy!”

Có lẽ vì thế, mà cha đã rất giận và thất vọng khi con quyết định bỏ nghề để đến một thành phố khác sinh sống để bắt đầu mọi thứ lại từ con số 0. Cha từng dạy con rằng: “Phụ nữ cần độc lập về tài chính. Cha không giàu có nên cha chỉ có thể cho con ăn học, làm được một cái nghề chuyên nghiệp, con sẽ có thu nhập tốt.” Con vẫn không bao giờ quên lời cha nói.

 

Những ngày này, ở gần cha con thấy niềm vui trên khuôn mặt cha. Đó là niềm vui khi được gặp lại đứa con mình yêu thương. Cha thương con bằng những cách thật khác. Thỉnh thoảng trong đêm cha lại sang giường đắp lại cái chăn cho thằng cháu 3 tuổi hay nghe tiếng con bé cựa quậy cha lại bảo mẹ sang dỗ giùm con.

Những ngày này, con lại được sống trong tình yêu của cha như ngày trước. Cha vẫn đi chiếc xe đạp xanh lam đã tróc sơn loang lổ mua bó rau về cho con nấu hoặc chở thằng bé đi mua kẹo. 

“Hải ơi, bà Xuân cho cha bó rau nè, tí luộc hoặc nấu canh nhé, rau bà ấy nhiều mà non lắm.” Tiếng cha ở ngoài hiên vọng vào khi con đang gõ những dòng này. Gấp máy lại, con sẽ cười và xuýt xoa: “Rau này luộc thì ngon lắm đây!” Khoảnh khắc này thật vui!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *