Con lớn lên tự tin giao tiếp, tự tin trong mọi hành động của mình là mong muốn của nhiều bố mẹ. Và rõ ràng, càng ngày trẻ con càng tự tin thể hiện ý kiến, cá tính của mình hơn.
- Ba ơi, con thích cái áo Minior này nè!
- Con ăn cơm không thôi.
- Đi công viên chơi chứ không đi cà phê mẹ nha.
Là những sự lựa chọn, quyết định của con trẻ mà chúng ta thường nghe. Và ta cũng dễ bắt gặp những đứa trẻ biểu diễn hay thể hiện quan điểm của mình trên các sân khấu lớn, nhỏ trên truyền hình.
Bằng những động thái như tôn trọng ý kiến con, không bắt ép con phải theo các khuôn khổ như trước… bố mẹ đã giúp cho con tạo được sự tự tin khi con mới 2,3 tuổi.
Tuy nhiên, có những đứa trẻ, luôn tin vào tất cả những quyết định, sự lựa chọn và bản thân mình mà không lắng nghe, hiểu hay chia sẻ với người khác. Ranh giới giữa sự tự tin và kiêu ngạo vốn mỏng manh. Muốn con tự tin và vui vẻ nhưng đôi khi hóa ra kiêu ngạo. Tự tin giúp con sống tốt, sống hạnh phúc và trở nên gần gũi, thân thiện với mọi người xung quanh. Thì kiêu ngạo lại đẩy con đi xa ra khỏi cộng đồng của mình và dần dần trẻ nên cô lập. Hẳn, đó là điều mà không ba mẹ nào mong muốn. Không chỉ hệ luy về mặt giao tiếp, kiêu ngạo còn khiến con trở nên ích kỉ và không chấp nhận được thất bại trong cuộc sống. Điều đó, chắc chắn không thể giúp một đứa trẻ học tập và làm việc thành công được.
Vậy làm cách nào để có thể giúp con tự tin nhưng không bước vào ranh giới của sự kiêu ngạo?
Vấn đề gốc rễ chính là ở nền tảng của các phẩm chất đạo đức mà con tiếp thu, hấp thụ được trong quá trình trưởng thành.
Có được lòng biết ơn, sự vị tha, hiếu thảo, yêu thương, tinh thần trách nhiệm, trung thực…. sẽ giúp con hành động, ứng xử một cách hợp lý trong mọi tình huống. Những điều đó sẽ giúp con có được sự tự tin mà không sợ phạm phải sai lầm.
Việc thực hành lòng biết ơn, sự vị tha hay những phẩm chất tốt đẹp khác thường xuyên giúp con nhận được sự yêu mến của nhiều người. Và đó chính là nền tảng để con tự tin khi giao tiếp và hành động.
Con học những điều này ở đâu? Gia đình chính là nơi tuyệt vời để con bắt đầu mọi bài học của mình.
Bạn đã từng bao giờ nghe về văn hóa hướng thượng chưa?
Xây dựng văn hóa hướng thượng trong gia đình là hướng sự quan tâm dành cho những người lớn thay vì con nhỏ. Đứa trẻ sẽ chẳng phải là tâm điểm trong mọi bữa ăn, trong mọi quyết định. Khi bạn mong muốn con hiếu thảo thì cách duy nhất để có được điều đó là bạn hiếu thảo với chính bố mẹ của mình. Dành sự quan tâm cao nhất cho ba mẹ và nói với con về điều đó, giải thích cho con hiểu vì sao ba mẹ làm như vậy. Mọi điều tốt đẹp nhất chỉ được dành cho những người có công, những người xứng đáng.
Ví dụ: Trong bữa ăn, cho con biết rằng, món ngon nhất này để dành cho ba (hoặc mẹ).Vì ba (mẹ) đã có một ngày làm việc vất vả.Và món ngon tiếp theo là dành cho con
Đơn giản chỉ là thay đổi ngôn từ, cách cử xử, để con nhận ra rằng, không phải mình hiển nhiên nhận mọi đặc ân và sủng ái từ cuộc sống. Người cống hiến nhiều nhất mới là người đáng được nhận tất cả những điều đó. Từ đó, giúp con sống có động lực, khiêm nhường và có mục tiêu hơn. Những điều đó, góp phần vào sự tự tin của con khi có bước ra ngoài của cư xử với mọi người.
Khen ngợi quá trình – không khen ngợi kết quả.
- Con giỏi quá!
- Con ngoan qúa!
- Con thông minh quá!
Có lẽ là những lời mà chúng ta dễ buột miệng ra khi con làm tốt một việc gì đó. Điều đó không có gì đáng phê phán, nhưng nếu bạn nó vô tình ghi nhận kết quả mà không động viên được quá trình con thực hiện. Và những lời khen đó vô tình tạo áp lực cho con.
Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học tại Mỹ, những đứa trẻ được khen ngợi là thông minh một cách thường xuyên, có xu hướng trốn tránh khi đối mặt với những khó khăn mới.
Có nhiều cách khen ngợi có thể tạo động lực và định hướng phát triển cho con mà ba mẹ có thể áp dụng như:
Khen thái độ của con khi xử lý công việc: Con đã rất kiên nhẫn khi xử lý tình huống này. Mẹ rất vui về chuyện đó.
Việc trẻ thể hiện thái độ của mình trước một vấn đề khó khăn thường giúp con có được niềm vui hay sự thành công trong cuộc sống bây giờ và sau này.
Khen ngợi sự lựa chọn: Con đã có một lựa chọn đúng đắn đấy!
Trong tương lai, con sẽ phải đưa ra sự lựa chọn cho vô vàn quyết định. Giúp con tự tin trong những lựa chọn của mình là cách để con tự đưa ra những quyết định trong tương lai.
Khen ngợi sự khiêm tốn: “Mẹ thật vui khi con biết tôn trọng ý kiến của người khác”
Những câu nói như thế sẽ giúp con bồi dưỡng được sự khiêm tốn.
Khen ngợi sự dũng cảm
Khen ngợi tính trung thực ……
Việc khen ngợi từng phẩm chất cụ thể sẽ giúp con biết mình nên phát triển theo hướng nào. Từ đó bồi dưỡng sự tự tin trong cách cư xử, lời nói của con.
Phán xét người khác trước mặt con.
Sự phát triển nhân cách của con phụ thuộc phần lớn vào hành vi ứng xử của ba mẹ và những người trong gia đình. Mỗi người đều có một hoàn cảnh, đặc điểm phát triển và tài năng khác nhau. Việc đứng trên quan điểm cá nhân của mình để “gắn mác” cho người khác thể hiện cách sống thiếu khoan dung và tư duy hạn hẹp. Con sẽ học cách cư xử này của bạn và vận dụng nó khi giao tiếp với bạn bè.
Không bao giờ so sánh con với những đứa trẻ khác.
Con gầy hơn bạn A, Con béo hơn, hay con nhảy đẹp hơn, con học giỏi hơn, hay con lười quá, bạn A chăm học và học giỏi ghê!
Là những câu mà chúng ta tưởng như bình thường nhưng lại có tính sát thương cao đối với một đứa trẻ. Con sẽ tổn thương và tủi thân khi thấy mình kém cỏi hơn trong suy nghĩ của mẹ. Nếu liên tục bị đưa ra so sánh với trẻ khác, con sẽ cảm thấy bản thân mình không đủ tốt, không tin tưởng vào bản thân và tìm cách sống sao cho giống người khác. Từ đó đánh mất sự tự tin bên trong con người của con.
Sự tự tin có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ hiện tại và cả tương lai. Khi tự tin, trẻ sẽ thể hiện được những khả năng tiềm ẩn trong bản thân của mình, sống vui vẻ hơn, tin vào chính bản thân mình và biết định hướng tương lai của mình. Chính vì những lợi ích quan trọng đó, chúng ta hãy cứ động viên, yêu thương để cùng xây dựng nên một thế hệ trẻ tự tin.