Lí do khi chơi game con lại không học hành, hướng giải quyết dành cho phụ huynh

Gaming Disorder” – rối loại chơi game hay còn gọi là nghiện game được tổ chức y tế thế giới WHO ghi nhận là một tình trạng sức khỏe tâm thần, là một bệnh lý. Mức độ nghiêm trọng đủ dẫn đến sự giảm sút đáng kể của các hoạt động. Trẻ được coi là chuyển từ có hội chứng nghiện game đến bệnh lý khi hoạt động liên tục khoảng 12 tiếng/ngày. Tỉ lệ này thường chỉ có ở 1% trẻ chơi game. Tuy vậy, hậu quả để lại lên cuộc đời những đứa trẻ này khá nặng nề.

Tôi từng chứng kiến những đứa trẻ bỏ học, bỏ nhà đi, suy kiệt sức khỏe vì nghiện game. Tương lai của chúng rẽ sang hướng khác khi dành toàn bộ thời gian, tư tưởng của mình cho game online.

Những đứa trẻ trong gia đình bạn có mê mẩn các trò chơi trên ipad hay điện thoại, máy tính không? Nếu câu trả lời là có, thì bài viết này dành cho bạn.

Nội dung chính của bài viết:

  • Vì sao trẻ nghiện game?
  • Triệu chứng và tác động của game 
  • Hướng giải quyết nào cho cha mẹ

Vì sao trẻ nghiện game?

Trong cuốn “Con cái chúng ta đều giỏi” của Adam Khoo đã chỉ ra nguyên nhân lớn nhất khiến những người chơi mê mẩn game khó từ bỏ.

  • Game tạo cảm giác cho người chơi làm chủ cuộc sống. Nhà trường yêu cầu ngày càng cao, vì vậy nhiều trẻ mất khả năng tự chủ. Chúng bị cuốn vào vào những áp lực như bài vở, cư xử với thầy cô, bạn bè ở trường mà đôi khi không thể tự giải quyết được. Thế giới game làm chúng có cảm giác dành lại khả năng kiểm soát cuộc sống của mình. 

Những trò chơi được thiết kế sống động như thật đánh vào tâm lý: con người nói chung thích cảm giác được làm chủ và cảm thấy bất lực nếu mọi việc không theo ý muốn. Trong thế giới game online, mọi hành động đều có hiệu quả tức thì. Người chơi dễ dàng để trở thành người quan trọng, người giàu có, người có quyền định đoạt… Sự cố gắng để đạt được kết quả nào đó trong game online không thấm vào đâu so với cuộc sống thật.

Một nghiên cứu từ đại học Bang California đã cho biết rằng, khi trẻ chơi game online thường xuyên thì phần “não bốc đồng” sẽ được kích hoạt để phù hợp với việc xử lý tính huống trong game. Và hậu quả của những việc chơi game trong thời gian dài là hệ thống thần kinh của bạn chỉ phản ứng lại với những phần thưởng tức thì, dễ dãi. Điều này giải thích tại sao phụ huynh ngày nay lại gặp khó khăn trong việc động viên con cái học. Khác với game, học tập là công việc khó khăn đòi hỏi quá trình phấn đấu, nỗ lực.

Thế giới game giúp người trẻ ảo tưởng họ là “người hùng”
  • Game giúp thoát ly thực tế. Theo thống kê các em đang cải tạo ở các trại giáo dưỡng, đa số các em đều có quá khứ bị bắt nạt, bị bỏ rơi, lạc lõng trong tập thể do thiếu một vài kỹ năng sống. Và game online thu hút những đứa trẻ như vậy. Thế giới game giúp người trẻ ảo tưởng họ là “người hùng”. Bởi ở đó, họ toàn quyền quyết định mọi thứ, thưởng, phạt hay quyết định “giết” ai mà họ cảm thấy không phù hợp. Em N.D, 16 tuổi ở Đạ Tẻ (Lâm Đồng) kể: Do bố mẹ cãi nhau thường xuyên, chán quá nên bỏ nhà đi. Chẳng biết đi đâu, đến tiệm net chơi game, chơi miết thành quen, thành nghiện. Rồi trộm tiền gia đình để chơi game. Trộm nhiều lần quá nên bị đưa vào trại giáo dưỡng. 
  • Điều quan trọng nhất đẩy trẻ đến với thế giới game online đó là sự thiếu kết nối với gia đình. Những đứa trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống bên ngoài nhưng nếu trở về gia đình, được sự chia sẻ, gần gũi của cha mẹ. Khi chúng được hướng dẫn kỹ năng để xử lý những khó khăn của mình. Chúng cảm nhận được sự tôn trọng, yêu thương vai trò của mình trong gia đình thì có lẽ sẽ không quyết định tìm niềm vui của mình ở một thế giới khác. Ngược lại, cha mẹ không có sự kết nối, không thể giao tiếp với con chính là nguyên nhân lớn đẩy con xa xã hội thực tế.
Bố mẹ nỗ lực lôi kéo con thoát khỏi game online

Triệu chứng và tác động của việc nghiện game.

Như đã nói ở trên theo tổ chức y tế thế giới WHO thì những người chơi game liên tục trong 12 tiếng/ngày thì mới là coi là một chứng bệnh. Tuy nhiên, việc kéo trẻ thoát khỏi thế giới ảo càng sớm càng tốt là mối quan tâm của không chỉ gia đình mà được cả xã hội quan tâm. Bởi nghiện game sẽ có nhiều tác động không tích cực cho người chơi.

  • Hành vi ám ảnh: Người nghiện game online sẽ luôn ám ảnh về những cảnh, nhân vật xuất hiện trong game và luôn khao khát để được chơi. Nếu không thể chơi tiếp họ sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu, cáu kỉnh và thậm chí có thể hành động liều mạng để được chơi.
  • Thiếu ngủ: Chơi game liên tục sẽ khiến trẻ mệt mỏi, đau đầu khi thức dậy vào sáng hôm sau. Thực tế, những người nghiện game thường ngủ rất ít. Họ có thể chơi game đến 1-2 giờ sáng, thậm chí thức thâu đêm. Việc thiếu ngủ thường xuyên gây suy giảm tế bào thần kinh, giảm trí nhớ dẫn đến làm tổn thương thần kinh.
  • Các vấn đề về thể chất: Sử dụng chuột hoặc bộ điều khiển trong thời gian dài có thể gây nên hội chứng ống cổ tay. Ngồi nhìn máy tính liên tục cũng khiến khô mắt, đau đầu, đau lưng.
  • Thiếu tập thể dục: Những trẻ nghiện game thường không vận động hoặc ít vận động hơn những đứa trẻ khác. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển trí não, vì tập thể dục rất tốt cho não.
  • Cô lập với xã hội: Đắm chìm trong thế giới game online khiến trẻ không có thời gian tương tác với mọi người trong gia đình, bạn bè. Phần lớn thời gian của trẻ bị cô lập, điều đó khiến trẻ mất đi khả năng phát triển các kỹ năng xã hội mà trẻ có thể học được khi chơi hay tham gia các hoạt động với bạn bè. 
  • Không hứng thú với việc đọc sách hoặc các hoạt động khác có lợi cho việc học: Những ám ảnh trong game, việc thiếu ngủ và luôn mệt mỏi khiến những người nghiện game không thích đọc sách hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Có nhiều trẻ bỏ dở việc học khi còn là học sinh cấp 2, 3.
  • Trốn tránh các vấn đề xã hội thay vì đối đầu với nó: Việc đạt được những kết quả một cách nhanh chóng, dễ dàng khiến người chơi khó khăn khi đối mặt với những rào cản trong đời sống thực tế. Bằng cách trốn tránh, những đứa trẻ sẽ không có cơ hội đối mặt và tìm ra giải pháp cho vấn đề của chúng. Kỹ năng này lại là một kỹ năng sống cần phát triển ngay từ nhỏ.
  • Khó chịu, trầm cảm khi không thể chơi: Đa số trẻ nghiện game đều có hành vi, cảm xúc tiêu cực khi bị tước thời gian chơi. Theo lời kể của BS Nguyễn Tất Định (học viện quân y 103), bác sĩ từng điều trị cho một em đã 16 tuổi nhưng trí tuệ chỉ mới như đứa trẻ 5 tuổi. “Bạn này chơi cả ngày cả đêm, cơ thể gầy gò, suy kiệt. Khi mẹ yêu cầu ngừng chơi game, cắt internet ở nhà thì bạn này tức giận, đánh mẹ, sau đó trốn ra ngoài để được chơi game”.

Hay như ThS, BS Lê Thanh Hà (Học viện quân y 103) cho biết, “nhiều người chơi đã 21 tuổi nhưng trí tuệ và cảm xúc chỉ như trẻ mới 12 tuổi. Những người lớn tuổi hơn  có thể có hành động liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của chính mình và của người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội, quy định của pháp luật” 

  • Gian dối: Vì muốn có tiền đi chơi game trẻ có thể ăn cắp tiền của ba mẹ, bỏ tiết, nói dối việc đi học để được chơi game thỏa thích.

Việc có con nghiện game thực sự là một nỗi ác mộng đối với cha mẹ. Vậy, khi con bạn chơi game như là thói quen, chưa hẳn là một bệnh lý thì hướng giải quyết cho phụ huynh là gì?

Hướng giải quyết cho phụ huynh

Nguyên nhân quan trọng đẩy trẻ đến thế giới game đó là bởi mất kết nối với xã hội, gia đình, cha mẹ không thể giao tiếp trò chuyện. Hay trẻ không cảm nhận đủ yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ. 

Chơi cùng con giúp tăng kết nối gia đình
  • Vì vậy, giải pháp đầu tiên là tình yêu. Dù con bạn có đang mắc lỗi và bạn cảm thấy sai lầm đó thật tồi tệ, cũng hãy thể hiện cho con thấy bạn luôn yêu thương và quan tâm con. Gây chú ý với con bằng những hành động yêu thương nhỏ hàng ngày như nấu những món con yêu thích, rủ con cùng tham gia các hoạt động với gia đình, chơi các trò chơi chung. Hay những hành động nhỏ như ôm, nắm tay, chạm vai, cười hoặc trò chuyện…Tất cả đểu gửi đến con thông điệp rằng: Bạn luôn yêu và bên cạnh con. 
  • Đặt quy định giờ chơi. Bạn không thể cấm tiệt con chơi ngay lập tức. Hãy để trẻ quen dần với sự thay đổi bằng cách đặt ra giới hạn giờ chơi. Bạn có thể cài đặt phần mềm như: Stop Game Home Edition để quy định khung giờ chơi, ngày chơi của trẻ.
  • Không cho phép trẻ dùng đồ công nghệ khi đã tắt đèn.
  • Đăng ký một câu lạc bộ thể thao thuộc sở trường của con. Việc này giúp con sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình vào một hoạt động giải trí khác. Như vậy giúp chuyển hướng đam mê của con. giúp con thoát khỏi những ám ảnh trong thế giới ảo
  • Nhờ chuyên gia cố vấn. Nếu tất cả những giải pháp trên đều không hiệu quả thì cách tốt nhất hãy nhờ đến các chuyên gia để hỗ trợ con bạn.

Dù là hướng giải quyết nào đi chăng nữa, để từ bỏ một thói quen, con cần thời gian và sự kiên nhẫn, động viên, cổ vũ, tình yêu từ gia đình. Những điều đó sẽ giúp con có niềm tin và động lực để quay lại thế giới thực tế.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *