Viết lách là kinh doanh: Câu chuyện truyền cảm hứng của Minh Thư

Minh Thư là một cây viết tự do, một người kể chuyện. Cô bắt đầu trở thành một người viết lách kiếm tiền từ năm 2019. Từ năm 2020, Thư bắt đầu trở thành cây viết tự do toàn thời gian. Từ một người làm công việc của sổ sách, chứng từ, Thư đã có một quyết định táo bạo khi chuyển sang công việc viết tự do. Tại sao Thư lại đưa ra quyết định này và cô ấy đã đi qua hành trình viết như thế nào? Hãy theo dõi bài phỏng vấn của chúng tôi với Thư dưới đây nhé!

Minh Thư - viết lách là kinh doanh
Minh Thư – Viết lách là kinh doanh
  1. Lê Hải: Trước khi viết Thư làm công việc gì? Điều gì đã thôi thúc em bắt đầu viết từ một người không chuyên?

Minh Thư: Em học đại học khoa kinh tế đối ngoại. Nếu đúng theo chuyên ngành, em sẽ làm nhân viên xuất nhập khẩu. Và quả thực là em đã có gần 2 năm là nhân viên khai báo chứng từ ở một công ty may ở quê nhà Nam Định.

Tuy nhiên, quá trình làm việc ở đây cho em thấy rằng mình không thực sự có kết nối và muốn gắn bó với những công việc kiểu số liệu và sổ sách này. Chưa kể, yêu cầu công việc đòi hỏi em cần đi lại, giao lưu khá nhiều. Và một người hướng nội, ưa yên tĩnh như em lại cảm thấy như bị rút cạn sức lực cho mấy việc kiểu này.

Em nghỉ sinh bé một thời gian và chuyển lên Hà Nội, bắt đầu lại với công việc chăm sóc khách hàng và sales ở một công ty xuất bản sách tiếng Anh. Một thời gian sau, em được chuyển sang phòng marketing và bắt đầu bén duyên với công việc viết lách.

Có thể nói, việc chuyển sang làm marketing ở công ty này giống như một bước ngoặt cuộc đời em. Bởi thời đi học, dù yêu thích viết lách, từng bỏ việc làm đề đội tuyển Hóa để tham gia sáng tác truyện của trường thì em vẫn tin rằng mình chỉ viết chơi chơi. Em nghĩ mình không đủ khả năng để theo đuổi công việc viết lách chuyên nghiệp. Quan trọng hơn cả, định kiến “nghề viết thì nghèo” vẫn ăn sâu bám rễ trong em từ dạo đó. Nghĩ sẽ không gắn bó nên dù thích nhưng em cũng không viết lách nghiêm túc. Chủ yếu chỉ viết nhật ký, xong rồi thôi.

Đến khi đi làm, em mới có cơ hội viết lách trở lại, dù không nhiều. Bởi công việc của em ngoài viết lách còn có chạy quảng cáo, phỏng vấn, thu thập thông tin. Giai đoạn đó, em làm ở Hà Nội còn con gái gửi ở Thái Bình nhờ ông bà nội chăm giúp. Đến khi con 2,5 tuổi, nhận thấy mình phải ở gần con nhưng lại không thể đón con lên, em quyết định về quê với định hướng trở thành một cây viết tự do. Với định hướng này, em đã hi vọng mình có thể tiếp tục gắn bó với viết lách mà không gặp trở ngại về mặt địa lý. 

  1. Lê Hải: Vì sao em lại chọn ngách Kể chuyện? Đối với em, việc kể chuyện có ý nghĩa như thế nào trong hành trình viết?

Minh Thư: Việc chọn ngách quả thực không hề đơn giản. Để tồn tại với nghề viết tự do, em đã trải qua không ít các ngách viết khác nhau. Từ giáo dục, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng…Với mỗi ngách này, sản phẩm viết của em cũng khá đa dạng. Có bài fanpage, bài website, ebook, landing page…

Ngách kể chuyện là sự lựa chọn cách đây nửa năm của em. Có lẽ, lý do cho sự lựa chọn này là bởi sở thích cá nhân và kinh nghiệm làm việc.

Em từng chấp bút một đầu sách thiếu nhi kể về nhân vật Oprah Winfrey cho Bizbooks. Bên cạnh đó, trong quá trình làm ở các công ty giáo dục (trùng hợp là đều về mảng dạy tiếng Anh), em cũng có cơ hội trò chuyện và giúp các học viên kể lại câu chuyện của họ. Em được nghe họ kể về những ước mơ, mục tiêu trong tương lai rồi những nghi ngờ, hoang mang trong học hành rồi cả những thành công, thất bại của họ trên con đường học tập đó.

Mỗi câu chuyện của họ đều cho em một bài học thú vị về việc học tập. Quan trọng hơn, em cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi là cầu nối để giúp họ công khai câu chuyện của bản thân để truyền động lực cho những người khác.

Lúc mới đầu, một số người rất e ngại vì cho rằng câu chuyện của họ không có gì đáng kể. Những tiến bộ của họ cũng không có gì quá ghê gớm so với người khác. Nhưng kỳ thực, câu chuyện của mỗi người đều có một điểm thú vị riêng và luôn có những bài học thực tế ở trong đó. Nếu không công khai, có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ biết hành trình giản đơn của mình đã thắp sáng niềm tin cho người khác như thế nào.

Oprah Winfrey - sách Thư có cơ hội chấp bút
Oprah Winfrey – tác phẩm Minh Thư chấp bút
  1. Lê Hải: Em có thể chia sẻ cơ duyên nào đã giúp em trở thành tác giả chấp bút cho bộ sách thiếu nhi của Bizbooks?

Minh Thư: Không giống như nhiều cây viết kinh nghiệm đầy mình và cũng đầy các mối quan hệ mới đứng ra làm tự do. Em làm tự do khi bản thân chưa có gì. Em phải tự mình tìm việc trên các hội nhóm viết lách.

Công việc bên Bizbooks cũng là một trải nghiệm như vậy. Em đọc tin tuyển dụng của họ rồi thấy rằng công việc này nằm trong khả năng của mình nên liên hệ. Qua một bài test của họ, em được đánh giá khá tốt và công việc bắt đầu được triển khai.

  1. lê Hải: Quá trình làm việc với Bizbooks để tạo ra bộ sách này có những thách thức và niềm vui gì đáng nhớ không?

Minh Thư: Nói thách thức thì cũng không hẳn. Chỉ là lần đầu trải nghiệm nên hơi bỡ ngỡ. Trước đây, em chưa từng hoàn thành một sản phẩm viết nào dài đến vậy. Dù biết rằng mỗi một chương sách cũng chỉ là một bài viết chừng 2000 từ như mọi lần. Nhưng nhìn tổng thể vẫn có gì đó hơi choáng ngợp.

Bên cạnh đó, việc tìm những sự kiện trong cuộc đời của một nhân vật cũng không đơn giản. Nhưng may mắn cho em là có rất nhiều cuốn sách và bài viết về Oprah Winfrey. Bản thân bà cũng có những cuốn sách của riêng mình. Vậy nên em đã tìm đọc sách của bà để thật sự hiểu hơn về thế giới nội tâm của nhân vật này. Em không muốn những chi tiết về cảm xúc mà mình kể trong câu chuyện đi quá xa hoặc làm không tới so với hoàn cảnh thực tế của nhân vật.

Chỉ tiếc là cuốn sách này có vẻ chưa được đón nhận lắm ở thị trường. Vậy nên em cũng chưa rõ review của người đọc như thế nào. 

Nhớ lúc mới hoàn thành xong cuốn sách, em còn đăng ký làm CTV affiliate của sách luôn. Thấy sách có 2 đơn đặt hàng, em mừng lắm. Sau mới biết một đơn của mẹ em, một đơn của chị gái em. Tự nhiên vừa vui vừa buồn nhẹ.

  1. lê Hải: Trong suốt quá trình viết, em thấy viết lách đã giúp mình phát triển tư duy logic và sáng tạo như thế nào?

Minh Thư: Mặc dù thời đi học, điểm văn nghị luận của em tốt hơn hẳn văn miêu tả và biểu cảm. Nhưng đến khi viết lách chia sẻ trên mạng xã hội, em vẫn cảm thấy tư duy logic của mình chưa tốt. Em nghĩ lý do là bởi thời đi học, em rất lười đọc sách. Và thật sự lúc đó em cũng khá mông lung nên có đọc cũng không tập trung vào một chủ đề nhất định. Đọc xong cũng không đọng lại nhiều.

Đến khi luyện viết và bắt đầu kiếm tiền từ viết lách, khả năng sáng tạo và tư duy logic của em mới dần dần phát triển. Đó là bởi em đã có nhiều trải nghiệm thực tế và có mục tiêu theo đuổi công việc rõ ràng. Vậy nên em đã cảm thấy dễ dàng hơn trong việc đặt câu hỏi hay phản biện về một vấn đề.

Em vẫn nhớ bài viết đầu tiên mà em chia sẻ trên Facebook cá nhân có tiêu đề “Vừa muốn nhiều tiền vừa có thời gian cho gia đình có phải là tham lam?” Em đã đăng bài viết này lên Spiderum. Bài viết nhanh chóng được hơn 1000 view trong một tuần đăng tải và được chọn để đăng tải trên kênh youtube của Spiderum. Bài viết này thu về rất nhiều ý kiến tranh luận: đồng tình có, phản đối có, nhờ chia sẻ kiến thức cũng có. 

Giờ đọc lại, em thấy bài đó vẫn non lắm. Nhưng đó cũng là một kỷ niệm thú vị về việc tạo ra một bài viết có độ tranh luận cao. Còn bây giờ, chắc là viết nhiều, trải nghiệm nhiều hơn chút nên ngoài lời khen giọng văn mộc mạc, chân thành, độc giả cũng bắt đầu khen bài viết của em logic và rõ ràng.

Còn về sáng tạo, em nghĩ là khả năng này đều tiềm ẩn bên trong mỗi người. Bởi mỗi người đều là một lát cắt nhỏ của thế giới. Họ có hoàn cảnh sống khác biệt nên nhận định cũng khác biệt. Bản thân sự khác biệt của họ đã là một sự sáng tạo đối với thế giới rồi. Họ chỉ cần mạnh dạn nói ra những góc nhìn của mình mà thôi.

Để phát triển khả năng sáng tạo, họ có thể chăm quan sát những sự vật, hiện tượng trong đời sống và mạnh dạn phát huy trí tưởng tượng để kết nối những thứ đó với nhau. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.

Sáng tạo là khả năng này đều tiềm ẩn bên trong mỗi người
Sáng tạo là khả năng này đều tiềm ẩn bên trong mỗi người
  1. Lê Hải: Em có lời khuyên nào cho những người mới bắt đầu viết để giúp họ phát triển tư duy qua từng trang viết?

Minh Thư: Nhìn chung, viết lách là một quá trình buộc mình phải sắp xếp từ ngữ theo một trình tự hợp lý, khoa học, dễ hiểu. Nếu bản thân mình đọc còn thấy bùng nhùng, thiếu thuyết phục thì sẽ rất khó thuyết phục độc giả.

Để cải thiện vấn đề logic bài viết, em thường đọc đi đọc lại và thường xuyên lật ngược vấn đề trong mỗi câu khẳng định của mình, kiểu “Điều này có đúng không? Nếu ngược lại thì sao? Đưa ra nhận định này liệu có phiến diện? Mình có con số hay câu chuyện nào minh chứng cho nhận định này không?”

Em nghĩ để cải thiện logic, vấn đề không chỉ nằm ở tư duy lý luận mà còn nằm ở sự hiểu biết của người viết. Liệu người viết có đủ hiểu biết, có đủ đa dạng góc nhìn để nhận định vấn đề hay không? Dĩ nhiên, để giải quyết vấn đề này thì không cách nào khác ngoài việc phải đọc nhiều, hỏi nhiều và quan sát nhiều.

  1. Lê Hải: Viết lách đã giúp Thư khám phá những điều gì về bản thân? Những suy nghĩ, cảm xúc nào của Thư đã thay đổi nhờ việc viết?

Minh Thư: Chị biết không, thời gian trước khi em chưa làm công việc viết lách là kiểu người ít nói, ít đọc, ít suy nghĩ hay liên tưởng. Chính vì vậy mà em còn không có khả năng nói ra suy nghĩ của bản thân một cách mạch lạc. Điều này khiến việc giao tiếp của em với mọi người bị cản trở rất nhiều.

Em không thể nói ra rằng mình thích hay không thích điều gì, vì sao mình lại thích hay không thích điều đó. Hoặc cảm xúc bên trong em đang như thế nào? Bởi vốn từ của em quá nghèo nàn. Ít nói, ít đọc mà, cứ như một cái ao tù vậy. Không có gì chảy vào cũng không có gì tuôn ra.

Cảm giác hết sức bất lực và ức chế. Nhưng đến khi viết lách một thời gian, việc này đối với em đã trở nên dễ dàng hơn. Và em cảm thấy việc cất được tiếng nói của bản thân quả là một sự giải thoát đối với tâm hồn đang bị kìm kẹp.

Bản thân giá trị đó của việc viết lách cũng đã là một sự cứu rỗi rất lớn với em rồi.

  1. lê Hải: Trải qua một hành trình phát triển sự nghiệp không dễ dàng. Điều gì đã giúp em kiên trì với công việc này?

Minh Thư: Em nghĩ có một cụm từ phù hợp cho hoàn cảnh của em, đó là “không còn đường lui”. Giả sử em vẫn sống ở những thành phố lớn như Hà Nội, có lẽ em sẽ thử thách bản thân ở vị trí biên tập của các công ty xuất bản. Hoặc em vẫn có thể thử làm trong các agency. 

Nhưng đã lựa chọn về quê thì sẽ khác. Đây là nơi mà những công việc truyền thông còn chưa phát triển, nếu có thì lãnh đạo doanh nghiệp cũng chưa có tầm nhìn lâu dài. Em từng làm full time ở quê trong vài tháng nhưng rồi không thể phù hợp với môi trường ở đây. 

Vậy nên chuyện làm tự do đối với em gần như là bắt buộc phải làm. Em cũng có lúc ế job lắm chứ, ế vì muốn tìm job theo đúng định hướng của bản thân thay vì làm đa ngách như trước đây. Em cũng từng bỏ làm tự do mà làm full time remote cho một công ty giáo dục.

Nhưng trải nghiệm cho thấy rằng, cho dù em có làm full time ở một nơi nào đó, có lẽ đó cũng là chuyện tạm thời để có thể duy trì cuộc sống và có sức để xây tiếp những gì đang dang dở.

Cho dù hiện tại, “màn sương” sự nghiệp trước mắt em không còn dày đặc như trước nhưng cũng chưa hẳn quá rõ ràng. Chỉ có một điều khác biệt so với lúc trước là cách em đối mặt với vấn đề. Thay vì cuống cuồng tìm ngay một giải pháp, một con đường và nhất nhất đi theo, em tin rằng mình sẽ cần đón nhận thêm nhiều trải nghiệm công việc khác nhau khi chưa xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. 

Nếu câu chuyện miếng cơm, manh áo quá khó khăn, việc quay trở lại đa ngách cũng sẽ được xem xét. Chỉ là em sẽ giới hạn trong một vài ngách mà em đã quen thuộc thôi thay vì làm những ngách quá xa lạ.

  1. Lê Hải: Đối với những người mới bắt đầu em có chia sẻ gì để giúp họ tìm lại động lực và giữ lửa đam mê với viết lách?

Minh Thư: Đối với em, nếu viết lách chỉ là sở thích và họ không có ý định biến sở thích đó thành công việc thì hãy cứ viết để thư giãn. Như vậy cũng là sống với đam mê rồi. Họ có thể lập một fanpage hay blog riêng để chia sẻ về những chủ đề yêu thích và tìm được những người bạn đồng điệu. Không nhất thiết phải biến chuyện viết lách thành công việc kiếm cơm.

Nếu ai đã từng viết lách thường xuyên, em tin rằng họ sẽ hiểu được những giá trị tinh thần mà viết lách mang lại cho họ. Vì vậy, lời khuyên có vẻ không cần thiết.

Còn với những người muốn kiếm tiền với viết lách, em nghĩ là họ thử làm dự án cá nhân của bản thân và lấy đó làm portfolio. Đó sẽ là những viên gạch nhỏ đầu tiên để họ bước lên những bậc thang cao hơn trong các dự án viết. Sau đó, họ có thể thử làm các job part time để làm quen và cân đối với công việc full time hiện tại.

Mọi người thường khuyên rằng nên chuẩn bị ngân sách tiết kiệm ít nhất 6 tháng tiền sinh hoạt để có thể tập trung xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội. Nhưng qua trải nghiệm thực tế, em thấy rằng con số 6 tháng là quá ít ỏi với những người ở hoàn cảnh buộc phải freelance khi chưa có nhiều kinh nghiệm như em. 

Mọi người thường khuyên rằng nên chuẩn bị ngân sách tiết kiệm ít nhất 6 tháng tiền sinh hoạt nhưng có thể sẽ còn lâu hơn thế
Mọi người thường khuyên rằng nên chuẩn bị ngân sách tiết kiệm ít nhất 6 tháng tiền sinh hoạt nhưng có thể sẽ còn lâu hơn thế

Họ sẽ còn trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh nội tâm rằng nên tiếp tục hay dừng lại. Sự khổ sở trong tâm trí này có thể khiến họ bị trì hoãn trong thời gian dài. Thử tưởng tượng rằng họ phải leo một con dốc nhưng cứ leo 2 bước lại tụt xuống 3 bước. Mỗi lần tụt xuống, họ sẽ thất vọng về bản thân và cần khá nhiều thời gian để vực dậy. Tuy nhiên, nếu con số 6 tháng đối với những người chuẩn bị đủ ngân sách, đủ sự kiên trì và quyết tâm, tuyệt vời nhất là có sự đồng hành của mentor thì sẽ hoàn toàn có thể. 

Ở giai đoạn mới bắt đầu, khi những thành công còn nhỏ bé hoặc chưa rõ ràng thì việc giữ vững tinh thần sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Nó sẽ quyết định việc một người viết mới có đủ dũng khí để bước tiếp hay không.

Và một điều cuối cùng là nếu họ không thành công với công việc viết lách tự do và muốn quay trở về làm full time, điều đó hoàn toàn không phải là thất bại. Bởi em tin rằng cuộc đua nào cũng nên có chặng nghỉ, nhất là câu chuyện dài hơi như viết lách tự do. Nếu sau khi nghỉ ngơi, họ cảm thấy muốn quay lại đường đua freelance thì hoàn toàn có thể bắt đầu lại.

Nên nhớ là lúc này, họ sẽ không quay về vạch xuất phát nữa bởi thất bại đã cho họ kinh nghiệm, nội lực và tinh thần của họ đã ở một mức cao hơn so với ban đầu rồi.

Nhưng thật sự là muốn theo đuổi viết lách tự do, việc chuẩn bị tài chính là rất quan trọng đấy. Nếu bản thân mình chưa đủ tài chính thì việc có một người bạn đời tài chính vững chắc cũng rất okie ^^.

Cám ơn chị Hải đã dành thời gian trò chuyện với em và cho em cơ hội được chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người.

Hy vọng mọi người sẽ rút ra một vài bài học nào đó cho chặng đường sắp tới. Nếu bạn cảm thấy những gì mình chia sẻ hơi thiếu sự hô hào thì thật sự mà nói, mình muốn cảnh báo để bạn hiểu rằng hành trình viết lách kiếm tiền không hề dễ dàng.

Mình không muốn nói những lời vuốt ve, cổ động bởi mình biết mỗi cú ngã trong hành trình này đều rất đau đớn. Và việc chúng ta ngã đôi khi chỉ đơn giản là vì ta đã quá ngây thơ và không có sự đề phòng.

Hãy cứ giữ một ngọn lửa nóng trong tim song hành với một chiếc đầu lạnh nhé. Bởi viết lách kiếm tiền chính là kinh doanh. Mà kinh doanh thì không mơ mộng được.

lê Hải: Cảm ơn Minh Thư vì những chia sẻ rất chân thành ở trên! Chúc Thư sẽ thực hiện được những mục tiêu trong công việc của mình!

Bạn có thể trò chuyện thêm với Minh Thư tại đây

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *